Nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn không chất thải
Với ưu thế vượt trội của nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) không chất thải, ngành nông nghiệp và các cấp chính quyền đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nhân rộng, phát triển mô hình, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập của người dân và hướng tới kinh tế nông nghiệp bền vững.
Diện tích sản xuất dưa Kim Hoàng hậu trong nhà lưới của Trang trại nông nghiệp Thảo Hiền, xã Quảng Hợp (Quảng Xương).
Từ năm 2012 gia đình ông Lê Minh Tới đã huy động nguồn lực, thực hiện tích tụ, dồn đổi đất để hình thành nên vùng trang trại rộng 12ha tại thôn 3, xã Thiệu Duy (Thiệu Hóa). Ban đầu, gia đình ông chỉ trồng lúa, song hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng. Từ năm 2014, gia đình đầu tư hàng tỷ đồng cải tạo đồng đất, phát triển hệ thống hạ tầng, chuồng trại để xây dựng trang trại tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Để giảm thiểu chi phí sản xuất, ông đã tận dụng các phế phụ phẩm từ cây trồng, rơm rạ sau thu hoạch, thu gom lúa về đốt bằng lò xây tự thiết kế để lấy tro bón cho cây trồng thay phân hóa học. Ngoài ra, còn sử dụng phân lợn, gia cầm để bón cho cây trồng. Ông Tới cho biết: Thời điểm đó nghiên cứu về xu hướng phát triển nông nghiệp, tôi nhận thấy hướng phát triển của mình tiệm cận với chu trình sản xuất NNTH không chất thải. Vì vậy tôi càng tin tưởng, kiên định với hướng đi, tiếp tục tìm hiểu đầu tư phát triển sản xuất.
Sau hơn 7 năm kiên định với hướng đi này, đến nay trang trại của gia đình ông Lê Minh Tới đã có 30 con lợn, 200 con dê, 100 con thỏ, 3.000 con gia cầm, khoảng 7ha sản xuất rau, củ, quả an toàn đạt chuẩn VietGAP. Ngoài ra, ông còn thuê thầu lại ruộng của người dân sản xuất hàng chục ha lúa/vụ.
Qua tìm hiểu, chu trình sản xuất của trang trại ông Lê Minh Tới vận hành khá linh hoạt, khoa học. Trong đó, gia đình ông thu gom phụ phẩm nông nghiệp từ một số nhà máy chế biến, dùng ruồi lính đen để tạo ra men vi sinh và enzym. Men vi sinh dùng để tưới cho cây trồng; emzym phối trộn với rau, quả làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Cùng với đó, ông tận dụng phân chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra phân hữu cơ bón cho cây... Vòng tròn cứ thực hiện như vậy nên hầu như trang trại không có chất thải, không phải sử dụng thức ăn, phân bón công nghiệp. Nhờ đó, sản phẩm làm ra sạch, an toàn, chất lượng được thị trường ưa chuộng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa Trịnh Đình Hùng cho biết: Trang trại nông nghiệp sản xuất tuần hoàn không chất thải của ông Tới là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả của huyện. Mô hình đã tạo được vòng tuần hoàn khép kín luân canh gối vụ, hầu như cây trồng, vật nuôi không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, tạo ra sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường. Vì vậy, huyện Thiệu Hóa đang chỉ đạo các xã, thị trấn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến tham quan, học tập để nhân rộng, phát triển nhiều mô hình sản xuất NNTH không chất thải hiệu quả.
Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải của hộ gia đình ông Lê Minh Tới ở xã Thiệu Duy (Thiệu Hóa).
Sau mô hình sản xuất tuần hoàn hữu cơ của trang trại ông Lê Minh Tới, nhiều hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã, huyện đã tìm đến học tập kinh nghiệm. Không chỉ cầm tay chỉ việc, hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, cuối năm 2023 ông Lê Minh Tới còn thành lập HTX Nông nghiệp và Công nghệ tuần hoàn, thu hút 15 thành viên là các hộ nông dân cùng chung chí hướng. Ông đã cùng ban quản trị HTX đã đưa vào sản xuất đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp với xu hướng tiêu thụ của người tiêu dùng như gà ri Lạc Thủy, ngan, vịt bầu, thỏ, dê, rau củ quả theo mùa và chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm.
Xác định phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, NNTH là xu thế tất yếu nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.100ha đất sản xuất các loại sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...); hơn 26ha cây trồng được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; hơn 760ha cây trồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ... Tuy nhiên, số mô hình sản xuất NNTH không chất thải vẫn còn hạn chế. Theo đó, ngày 16/10/2023 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 10-CT/TU về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, NNTH trên địa bàn tỉnh để quán triệt tới các địa phương và tuyên truyền trong Nhân dân nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, NNTH, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, có thương hiệu, giá trị kinh tế cao và phát triển bền vững.