Nhiều hợp tác xã vẫn gặp khó khi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP
Việc chuyển hướng phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) mang lại nhiều lợi ích cho các hợp tác xã nông nghiệp tại Hà Nội, song để duy trì, nhân rộng diện tích sản xuất theo phương thức này vẫn gặp khó khăn.
Huyện Đông Anh là địa phương đi đầu trong việc phát triển các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình là Hợp tác xã Ba Chữ (xã Vân Nội) hiện có gần 200 thành viên, canh tác 50 ha rau. Sản phẩm rau của hợp tác xã đáp ứng tiêu chuẩn của các bếp ăn trường học và xuất bán cho nhiều siêu thị trên địa bàn Thành phố.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ chia sẻ, đơn vị có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP và 10 sản phẩm đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao. Các sản phẩm đều được dán mã QR, tem, logo của hợp tác xã để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, bảo đảm đúng tiêu chí “an toàn từ ruộng, truy xuất tới hộ”. Từ đó, Hợp tác xã có thể cạnh tranh giá trị sản phẩm trên thị trường và tăng doanh thu, thu nhập, đời sống của các thành viên được cải thiện đáng kể.
Hợp tác xã Ba Chữ hiện có gần 200 thành viên, canh tác 50 ha rau.
Tương tự, tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông), nhờ việc thay đổi và định hướng tư duy trồng rau theo hướng VietGAP, sản phẩm rau an toàn của đơn vị được mở rộng diện tích và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Ông Trịnh Văn Vịnh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình cho biết, hiện tại, hợp tác xã đang sản xuất các loại rau, củ, quả: rau ngót, rau cải, rau dền, cà chua, bầu, bí, mướp, dưa chuột… cung cấp cho thị trường trên 600 tấn rau, củ, quả mỗi năm, với doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm. Đơn vị đã thu hút 500 thành viên tham gia, với tổng diện tích sản xuất 53,8 ha, trong đó có 11,7 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2019, hợp tác xã đã có 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Theo báo cáo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thu nhập từ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đạt trung bình từ 450 - 500 triệu đồng/ha/năm, nếu đầu ra thuận lợi. Đối với những cây trồng có giá trị cao như dâu tây, cà chua bi, rau mầm, rau baby… được đầu tư trồng trong hệ thống nhà kính, nhà lưới, thu nhập có thể lên tới 900 triệu đồng/ha/năm.
Theo phản ánh của nhiều hợp tác xã, khó khăn lớn nhất của nông dân, hợp tác xã khi thực hiện mô hình VietGAP là vẫn còn những trường hợp bị tiểu thương, doanh nghiệp ép giá, khiến giá rau không ổn định. Mặt khác, nông sản VietGAP đưa vào tiêu thụ ở siêu thị không nhiều, phần lớn sản lượng rau phải tiêu thụ ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh.
Hơn nữa, để có chứng nhận VietGAP, hợp tác xã phải hoàn thiện khoảng 65 tiêu chí. Chỉ riêng công đoạn lấy mẫu phân tích sản phẩm cũng mất ít nhất 3 - 4 ngày với điều kiện hợp tác xã trồng đồng nhất một loại rau màu, trên cùng một diện tích.
Vì thế, để sản xuất và duy trì chứng nhận VietGAP, các hợp tác xã phải chi phí khá lớn cho việc tư vấn, thuê tư vấn viên giám sát, phân tích, đánh giá mẫu đất, nước; tư vấn chứng nhận VietGAP, tái chứng nhận VietGAP…
Trong khi đó, theo Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, thì chứng nhận VietGAP chỉ có thời hạn 2 năm.
Việc áp dụng quy trình VietGAP là điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã nâng cao những tiêu chí sản xuất và dễ dàng chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển các vùng trồng trọt theo hướng VietGAP, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã tiêu thụ nông sản; kết nối với siêu thị, doanh nghiệp chế biến nông sản. Ngoài ra, các địa phương cần đồng bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, hợp tác xã chuyển đổi vùng sản xuất truyền thống sang canh tác theo hướng VietGAP.
Ông Nguyễn Tiến Phong, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần đưa ra những chính sách và chương trình hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và đào tạo để giúp hợp tác xã nông nghiệp thực hiện tốt việc sản xuất an toàn.
Đồng thời, cần có giải pháp thiết thực hơn trong việc kết nối, quản lý tiêu thụ nông sản an toàn, không chỉ qua các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, mà cả ở chợ dân sinh, chợ đầu mối.