Những mô hình hiệu quả trong HTX kiểu mới
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu tổ chức, hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Trong đó, sự chuyển biến rõ nét nhất ở các HTX nông nghiệp là việc hình thành các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị. Từ hướng đi thực tế, phù hợp này, nhiều HTX đã trở thành 'điểm sáng' trong phong trào kinh tế tập thể, HTX của tỉnh, mang lại doanh thu, lợi nhuận cao cho các hộ thành viên.
Mô hình sản xuất của HTX Dịch vụ nông nghiệp Cả Tổ (TP Thanh Hóa) thu hút nhiều học sinh tham quan, trải nghiệm.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Cả Tổ (TP Thanh Hóa) thành lập năm 2016, được biết đến là đơn vị thành công trong mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch trải nghiệm. Theo đó, HTX đã chủ động tích tụ, tập trung đất để làm cơ sở đầu tư phát triển sản xuất. Với hơn 2ha đất hiện có, HTX đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao khép kín, xây dựng mô hình sông trong ao để nuôi cá năng suất cao, xây dựng 10.000m2 nhà màng, nhà lưới trồng dưa rau, củ, quả an toàn...
Giám đốc HTX Lê Thị Hồng Duyên, cho biết: "Ngoài tổ chức sản xuất, HTX còn chủ động tìm hiểu, tham khảo về những mô hình sản xuất hiệu quả để thử nghiệm, ứng dụng vào thực tế. Chúng tôi nhận thấy việc phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, kết hợp với du lịch nông nghiệp trải nghiệm đang được thị trường ưa chuộng, nên từ năm 2022 HTX đã nhập giống nho Hàn Quốc, dâu tây về trồng, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa từng bước xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Đến nay, HTX đã xây dựng được thương hiệu trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, trở thành điểm đến tham quan, học tập của người dân và nhiều trường học. Với hướng phát triển sản xuất phù hợp, hằng năm doanh thu của HTX đạt hơn 3 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho thành viên và 7 lao động".
HTX sản xuất, nuôi trồng và chế biến nông thủy sản Quảng Chính (Quảng Xương) được thành lập năm 2017, đứng ra bao tiêu sản phẩm thủy sản nuôi trồng cho bà con thành viên và người dân địa phương, nên thu nhập của bà con được cải thiện rất nhiều so với trước đây. HTX mạnh dạn đẩy mạnh dịch vụ tiêu thụ sản phẩm thủy sản bằng việc đầu tư xây dựng trung tâm nuôi giống thủy sản như tôm, cua, cá... để cung ứng cho các hộ, đơn vị nuôi trồng và hệ thống kho lạnh để thu mua sản phẩm cho người nuôi trồng địa phương.
Giám đốc HTX Phạm Bá Thảo, cho biết: HTX được thành lập trên cơ sở liên kết, phát triển vùng nuôi trồng thủy sản và hỗ trợ chế biến, bao tiêu sản phẩm thủy sản cho các hộ nuôi trồng trên địa bàn xã. Do đó, bên cạnh việc thu mua sản phẩm, HTX còn đầu tư phát triển trung tâm sản xuất, cung ứng con giống thủy sản cho người nuôi và liên kết với nhiều đơn vị nhằm phát triển sản phẩm thủy sản chế biến. Đến nay, HTX không chỉ cung ứng hàng chục tấn giống thủy sản/năm, liên kết thu mua sản phẩm cho hơn 200ha nuôi tại địa phương, mà còn xây dựng được thương hiệu cho một số sản phẩm thủy sản như tôm nõn tươi Hiếu Thảo đạt OCOP 3 sao; tôm sú, cua Quảng Chính... đưa nhãn hiệu thủy sản Quảng Chính đến gần hơn với thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.391 HTX với hơn 90% HTX đã chủ động chuyển đổi mô hình quản lý hoạt động theo Luật HTX 2012. Trong đó, có nhiều mô hình HTX kiểu mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như: HTX vệ sinh môi trường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) với mô hình thu gom rác thải, chế tạo xe, dụng cụ vận chuyển rác thải, tạo việc làm cho hơn 220 lao động; HTX tiểu thủ công nghiệp Trung Kiên (Hoằng Hóa) gia công túi và đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 150 lao động; HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, phát triển được 4 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy nhanh quá trình XDNTM ở địa phương...
Việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh đã hình thành và mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, hầu hết các HTX đã chủ động đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất và từng bước liên kết giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con. Với việc đổi mới hoạt động hiệu quả, đến nay toàn tỉnh đã có 48% HTX hoạt động khá, giỏi, giảm tỷ lệ HTX yếu kém còn dưới 12%. Lợi nhuận bình quân của các HTX đạt 276 triệu đồng/HTX/năm, riêng HTX nông nghiệp khoảng 197 triệu đồng/HTX/năm.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Lê Hồng Hải, cho biết: Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận với nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật, các chương trình xúc tiến thương mại và cơ hội để liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị có uy tín... góp phần nâng cao hiệu quả các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên. Từ đó, phát huy hiệu quả, ưu việt của mô hình HTX kiểu mới, nâng cao sức mạnh cho khu vực kinh tế tập thể, HTX của tỉnh.