Ninh Thuận: Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm lĩnh vực

Chia sẻ:

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng, tỉnh tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm; trong đó, ưu tiên sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống.

Sản phẩm OCOP được trưng bày, bán tại Hội doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Sản phẩm OCOP được trưng bày, bán tại Hội doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP theo hướng đa dạng và bền vững bằng cách khai thác tối đa thế mạnh về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa để tạo ra những sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng cao.

Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, thông tin địa phương đang tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm; trong đó, ưu tiên sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương.

Mục tiêu là phát huy tối đa nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm; đồng thời gắn kết chặt chẽ với phát triển cộng đồng. Tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ có thêm 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có ít nhất 2-5 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; có thêm 1-2 sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao.

Song song đó, tỉnh sẽ tập trung củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; phấn đấu 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định và có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP. Điểm nhấn trong giai đoạn tới là phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với xây dựng thương hiệu mạnh mẽ, đồng thời kết hợp chặt chẽ với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh Ninh Thuận đã có 182 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 152 sản phẩm đạt 3 sao, 30 sản phẩm đạt 4 sao; có hai sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao là sản phẩm nước mắm CaNa 32 độ đạm và 42 độ đạm.

Các sản phẩm từ nông sản tươi như nho, táo, dưa lưới, rong nho, măng tây đến các sản phẩm chế biến sâu như rượu vang, nước yến, nước mắm, giấm táo và sản phẩm từ nha đam đều được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ chất lượng cao. Các sản phẩm này không chỉ tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân.

 Giới thiệu sản phẩm OCOP được chế biến từ quả nho với du khách tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Giới thiệu sản phẩm OCOP được chế biến từ quả nho với du khách tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Để hỗ trợ chủ thể OCOP là các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm, tỉnh đã xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử địa phương tại địa chỉ: http://sanphamninhthuan.vn. Đến nay đã có gần 100 đơn vị tham gia quảng bá, bán với 368 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận và lựa chọn. Đặc biệt, sản phẩm OCOP còn được tích hợp vào các tour du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao giá trị gia tăng.

Anh Nguyễn Đức Tùng, đại diện Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, chia sẻ đơn vị hiện có 8 sản phẩm nho tươi và chế biến từ quả nho đạt chứng nhận OCOP từ 3-4 sao.

Bên cạnh việc sản xuất nho chất lượng cao, hợp tác xã còn kết hợp phát triển du lịch, mời du khách đến tham quan vườn nho, trải nghiệm quy trình sản xuất và thưởng thức sản phẩm chế biến từ quả nho. Nhờ chứng nhận OCOP, sản phẩm của hợp tác xã đã được nhiều người biết đến, giúp nâng cao uy tín và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, tỉnh đề ra 15 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện; trong đó, tập trung vào giải pháp huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, các địa phương xây dựng mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.

Để đưa sản phẩm OCOP tới gần hơn với người tiêu dùng, Ninh Thuận đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thường niên gắn với sự kiện văn hóa và du lịch cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế nhằm thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm.

Song song đó, các huyện, thành phố trên địa bàn nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP để giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cùng với sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương; xây dựng hệ thống phân phối đưa sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối hiện đại của siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường.

Thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục triển khai chương trình, dự án thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn liền với sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong đánh giá, phân hạng và quản lý sản phẩm OCOP; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện và quản lý sản phẩm thuộc Chương trình OCOP sau khi được chứng nhận để giữ vững uy tín và tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm OCOP trên thị trường./.