Nỗ lực phát triển làng nghề truyền thống ở huyện Phú Xuyên
Được mệnh danh là 'đất trăm nghề' với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Khảm trai Chuyên Mỹ; may Vân Từ; đan cỏ tế Phú Túc, tò he Xuân La… những năm qua, các làng nghề ở Phú Xuyên (Hà Nội) góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Sản phẩm làng nghề “chắp cánh” vươn xa
Với nghề may comple nổi tiếng, từ một vùng quê thuần nông, nghề may đã giúp xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) khởi sắc trở thành một làng nghề truyền thống lừng danh đất Hà Thành. Thừa kế và phát triển giá trị truyền thống từ thời cha ông để lại, cùng với công cuộc mưu sinh, người Vân Từ đã tìm cách ra Hà Nội mang nghề may đi làm giàu cho quê hương và đất nước. Đến nay, với truyền thống hàng trăm năm, nơi đây đã và đang sản sinh ra rất nhiều những người thợ tài hoa.
Đến Vân Từ thời điểm hiện tại, không khó để bắt gặp những người trẻ tham gia làm nghề truyền thống. Phát huy thế mạnh, họ đã mở rộng được nhiều mối hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề. Cũng chính bởi vậy, hiện nay, tại xã Vân Từ đã hình thành một khu dịch vụ tập trung rất nhiều các nhà may comple, veston để đáp ứng nhu cầu của thị trường…
Tiếp nối nghề truyền thống của gia đình đã được gần 10 năm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có cho mình lượng đơn hàng khá ổn định. Mặt hàng sản xuất chủ yếu của xưởng là áo vest và quần âu. Theo chị Ngọc, so với trước đây, làng nghề phát triển hơn rất nhiều. Nếu như thời bố mẹ chị làm, chủ yếu bán vào khoảng tháng 8 và thời điểm cuối năm thì nay làng nghề sản xuất quanh năm.
Nghề may comple giúp xã Vân Từ trở thành một làng nghề truyền thống lừng danh đất Hà Thành.
Chia sẻ về doanh thu từ làm nghề, chị Ngọc cho hay: “Doanh thu của xưởng may không cố định vì không có đơn hàng thường xuyên. Tuy nhiên, nếu tính trung bình, dao động từ 20 tới 30 triệu đồng/tháng. Với những công nhân có tay nghề, thu nhập cũng vào khoảng trên 10 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập ổn định với khu vực nông thôn. Mọi người có thể làm việc gần nhà, không mất thời gian, công sức di chuyển, vẫn có mức thu nhập khá”. Cũng theo chị Ngọc, hiện tại, hệ thống giao thông thuận tiện nên hàng gửi đi trong nước rất dễ dàng, thuận tiện…
Bắt nhịp với xu thế thị trường, những người thợ nơi đây không chỉ dừng lại ở việc nâng cao tay nghề, mà đã có rất nhiều những gia đình, hộ sản xuất nhỏ, phát triển mô hình kinh doanh để trở thành những công ty có tên tuổi và thương hiệu trên thị trường. Sản phẩm của quê hương Vân Từ đã đi đến rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong khu vực và cả trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Dậu (ở xã Vân Từ) chia sẻ: “Thời gian gần đây, đi đôi với đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, nhiều hộ trong làng nghề linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình may đo, tạo dựng... được người dân tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo, thu hút đông đảo khách hàng. Đặc biệt, việc mở kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ của làng nghề sử dụng phổ biến, đem lại giá trị cao, đưa sản phẩm của Vân Từ vươn xa”.
Tương tự, tại xã Phú Túc, làng nghề đan cỏ tế xã Phú Túc là một trong những làng nghề truyền thống độc đáo của Hà Nội. Đến nay, sau gần 400 năm phát triển, Phú Túc có trên 1.000 mẫu sản phẩm chủ yếu từ cỏ tế và các nguyên liệu khác như bẹ ngô, bẹ chuối, bèo. Các mặt hàng hiện nay chủ yếu được sản xuất theo các mẫu mã đã có.
Hầu hết các hộ gia đình trong xã đều có lao động làm nghề. Thu nhập từ nghề đan cỏ tế bình quân hiện nay với mức từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Hiện nay, các hộ sản xuất chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong xã, theo hình thức nhận nguyên liệu về làm tại gia đình.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề cỏ tế ở Phú Túc, ông Nguyễn Văn May, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu Phú Tuấn, là một trong những người góp phần đưa cỏ tế Phú Túc vươn xa… Ông May cho biết, sản phẩm chính của Công ty Phú Tuấn hiện nay được sản xuất từ bèo tây, cói, mây, tre như thùng đựng quần áo, sọt rác, lọ lục bình trang trí… Công ty của ông đang tạo việc làm cho 20-25 nhân công làm việc tại xưởng cùng hàng nghìn lao động thời vụ trong xã và khu vực lân cận như huyện Mỹ Đức, tỉnh Hòa Bình, Hà Nam… Sản phẩm của Công ty xuất khẩu ổn định tại các thị trường Mỹ, châu Âu và nhiều nước ở châu Á.
Nhiều giải pháp phát triển làng nghề
Qua tìm hiểu, toàn huyện Phú Xuyên có 154/154 (100%) làng, cụm dân cư có nghề trong đó có 43 làng nghề được Thành phố công nhận (11 làng nghề đan cỏ tế, 8 làng nghề khảm trai sơn mài, 6 làng nghề mộc, 5 làng nghề may mặc, thêu, cào bông, 3 làng nghề giầy da, 3 làng nghề tơ lưới, 2 làng nghề chế biến lương thực thực phẩm , 1 làng nghề bánh kẹo, 1 làng nghề cơ khí, 1 làng nghề sản xuất hương thắp, 1 làng nghề nặn Tò he, 1 làng nghề xây dựng).
Nhận thấy lợi thế của huyện là có nhiều làng nghề, phát triển kinh tế làng nghề có vị trí, vai trò quan trọng đóng góp trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới của huyện, trong thời gian qua Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp để phát triển làng nghề.
Hiện nay, số hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện là 25.400 hộ chiếm 39%, số lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là 41.000 người chiếm 40%;, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là 12% (lĩnh vực công nghiệp - xây dựng là 7-7,5%/năm).
Phát triển kinh tế làng nghề có vị trí, vai trò quan trọng đóng góp trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. (Ảnh minh họa)
Thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt 78 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện hiện có 474 công ty, trong đó 456 doanh nghiệp, 18 hợp tác xã hoạt động tiểu thủ công nghiệp; 8 tổ chức, quỹ tín dụng, 05 hội, câu lạc bộ hoạt động về sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng nghề. Huyện đã có 4 nhãn hiệu tập thể làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận (giầy da Phú Yên, kẹo Cổ Hoàng xã Hoàng Long, mộc Nam Tiến, hương thắp Văn Hoàng), đang triển khai và cấp lại 5 chứng nhận Nhãn hiệu cho các làng nghề (Khảm sơn mài xã Chuyên Mỹ, Cỏ tế Phú Túc, Comple xã Vân Từ, mộc Tân Dân).
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP, từ năm 2019 đến 2023, huyện có 231 sản phẩm được công nhận, trong đó có 134 sản phẩm còn hiệu lực (81 sản phẩm 4 sao, 53 sản phẩm 3 sao). Năm 2024, huyện tiếp tục triển khai cho 50 sản phẩm được công nhận. Huyện phối hợp với Sở Công Thương khai trương 3 điểm bán hàng OCOP tại các xã: Vân Từ, Tân Dân, Sơn Hà. Tại xã Chuyên Mỹ có 1 Trung tâm Thiết kế sáng tạo, quảng bá sản phẩm làng nghề, OCOP gắn với du lịch được Sở Công Thương chứng nhận quy mô cấp xã năm 2023.
Để phát triển cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của huyện trong thời gian tới, UBND huyện đề nghị Bộ Công Thương, UBND Thành phố, các Sở, ngành sớm phê duyệt Phương án điều chỉnh vị trí, diện tích 8 cụm công nghiệp có trong quy hoạch và bổ sung 15 cụm công nghiệp theo đề nghị của huyện Phú Xuyên để huyện triển khai trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu về mặt bằng của người dân.
Bên cạnh đó, hỗ trợ huyện hình thành, kết nối tuyến du lịch làng nghề; quảng bá sản phẩm làng nghề, du lịch làng nghề rộng rãi trên hệ thống thông tin truyền thông Trung ương, bộ, ngành liên quan, trên các Wesbsite về du lịch. Triển khai xây dựng hạ tầng để phục vụ du lịch làng nghề tại xã Chuyên Mỹ, Phú Yên, Vân Từ.
Hỗ trợ huyện kêu gọi nhà đầu tư vào triển khai dự án Logistiscs, xây dựng chợ đầu mối cấp vùng, Trung tâm Thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm làng nghề, OCOP gắn với du lịch quy mô cấp Thành phố đã quy hoạch trên địa bàn huyện.
Đồng thời, hỗ trợ sản phẩm làng nghề của huyện Phú Xuyên đã được chứng nhận OCOP tham gia trưng bày sản phẩm tại các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của Bộ và Thành phố (trước mặt hỗ trợ huyện có một gian hàng miễn phí thuê gian hàng tại Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở đường Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy).