Nông dân dân tộc thiểu số nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP
Với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm từ cây cà phê của địa phương, anh Liêng Jrang Ha Hoang - thôn Đạ Nghịt (xã Lát, huyện Lạc Dương) đã không ngừng tìm tòi học hỏi để áp dụng quy trình chăm sóc cà phê theo hướng hữu cơ và tạo nên thương hiệu cà phê Chơ Mui đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Anh Ha Hoang nỗ lực xây dựng thương hiệu cà phê Chơ Mui đạt chuẩn OCOP |
Sinh ra và lớn lên tại xã Lát, cũng như bao người dân nơi đây, anh Liêng Jrang Ha Hoang gắn bó với cây cà phê và xem đây là cây trồng chủ lực nuôi sống cả gia đình. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết và giá cả không ổn định, “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khiến việc trồng và chăm sóc cà phê của anh và người dân xung quanh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với đam mê trồng cà phê, nhất là dòng Arabica đặc trưng của vùng núi Lang Biang, người nông dân dân tộc K’Ho này đã quyết tâm đi theo loại cây trồng gắn bó bao đời nay của buôn làng. Anh Ha Hoang tham gia Dự án Café REDD để học hỏi, trang bị kỹ năng sản xuất và nhận được sự hỗ trợ về thiết bị, tài chính…
Khi tham gia Dự án Café REDD, bản thân anh Ha Hoang đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình khác nhau. Hiện gia đình anh Ha Hoang đang trồng và sản xuất hai dòng cà phê là Arabica và Robusta theo hướng hữu cơ. Anh chia sẻ: “Việc áp dụng quy trình trồng, chăm sóc cà phê theo hướng hữu cơ năng suất không cao bằng trồng truyền thống nhưng giá thành cao hơn, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Khi không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại hay phân bón hóa học đã góp phần tăng độ phì nhiêu, tơi xốp của đất, tăng năng suất cho cây trồng vụ sau và giảm sâu bệnh, các vườn cà phê phát triển ổn định, xanh tốt tự nhiên”. Với năng suất trung bình của mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ đạt 7 - 8 tấn quả tươi hay 2,8 tấn quả khô/ha, giá bán cao hơn cà phê truyền thống, khoảng 150 ngàn đồng/kg, cho tổng thu nhập khoảng 420 triệu đồng/ha/năm.
Đến năm 2022, anh Ha Hoang tự tin tạo ra sản phẩm cà phê mang tên Chơ Mui, được sản xuất và chế biến hoàn toàn bởi người dân tộc thiểu số ở địa phương. Với sự hỗ trợ của dự án, anh Ha Hoang đã học được quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, lựa chọn nguyên liệu đến rang, xay, chế biến, đóng gói và bảo quản. Sản phẩm cà phê Chơ Mui đều tự tay anh Ha Hoang làm bằng phương pháp thủ công tất cả các công đoạn, từ cách lựa chọn nguyên liệu, phơi, rang cho đến khi thành phẩm để có được loại cà phê ngon, chất lượng, an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Năm 2023, thương hiệu cà phê Chơ Mui của nông dân Liêng Jrang Ha Hoang đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao của huyện Lạc Dương. Đối với cà phê thành phẩm thương hiệu Chơ Mui, hiện anh Ha Hoang đang bán với giá 300 ngàn đồng/kg.
Bên cạnh đó, anh Ha Hoang còn vận động các hộ xung quanh vào Tổ hợp tác cà phê Chơ Mui, trồng và chăm sóc cà phê theo hướng hữu cơ để nâng cao giá thành sản phẩm và bảo vệ môi trường. Hiện Tổ hợp tác có 7 hộ tham gia, sản phẩm làm ra được anh Ha Hoang thu mua và chế biến thành cà phê Chơ Mui. Và trên mảnh đất của gia đình, anh mở một quán cà phê nhỏ vừa để giới thiệu sản phẩm, vừa để bà con nơi đây được thưởng thức cà phê do chính mình sản xuất.
“Thời gian tới, bản thân tôi với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác cà phê Chơ Mui sẽ thu hút thêm nhiều thành viên vào Tổ hợp tác và mở rộng diện tích trồng cà phê hữu cơ, mang lại giá trị kinh tế cao giúp phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra, góp phần hình thành vùng cà phê canh tác theo hướng hữu cơ để hợp nhất quy trình sản xuất cũng như tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Từ đó đẩy mạnh phát triển thêm nhiều dòng cà phê thiên về hữu cơ, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê của địa phương”, anh Ha Hoang cho biết thêm.