Nông dân Phong Điền đổi đời nhờ làm du lịch sinh thái, hút triệu khách mỗi năm

Chia sẻ:

Nằm cách trung tâm TP. Cần Thơ hơn 10km, huyện Phong Điền là một trong những địa phương ít ỏi còn giữ được nét 'hương đồng gió nội', với đủ loại hoa thơm trái ngọt, mở ra cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao.

Những năm qua, HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa ở thị trấn Phong Điền liên tục đưa ra thị trường nhiều sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo, trong đó có sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa đã được gắn sao OCOP, nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc.

Hiệu quả thiết thực

Để nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX đã chủ động quảng bá sản phẩm gắn với ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm chất lượng, tiện dụng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ đó, HTX đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 20-30 lao động, với thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/người.

Đáng chú ý, nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo chất lượng và thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với du lịch, HTX đã quyết định thành lập điểm tham quan miễn phí đông trùng hạ thảo tại các địa phương trong huyện Phong Điền.

 

Cây ăn quả đang là cây trồng thế mạnh cho giá trị cao ở Phong Điền (Ảnh: BCT).

Cây ăn quả đang là cây trồng thế mạnh cho giá trị cao ở Phong Điền (Ảnh: BCT).

Khách tham quan khi đến với các phiên chợ của HTX sẽ được tư vấn, giới thiệu về sản phẩm, đồng thời có cơ hội tham quan thực tế quy trình sản xuất, cũng như dùng thử miễn phí một số dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo chất lượng cao do các hộ thành viên HTX làm ra.

“Thông qua việc mở điểm tham quan đông trùng hạ thảo, HTX muốn đưa sản phẩm tiếp cận được với nhiều khách hàng, nhất là khách du lịch. Việc lồng ghép hiệu quả giữa sản xuất và du lịch giúp thành viên HTX nâng cao đáng kể thu nhập, vươn lên làm giàu”, anh Phạm Ngọc Đá, Giám đốc HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa chia sẻ.

Tương tự, những năm qua, hoạt động du lịch sinh thái cũng đang mang lại giá trị cao cho thành viên, nông dân liên kết của HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long. Cuối năm 2023, sản phẩm vú sữa Lò Rèn và vú sữa bơ hồng của HTX được công nhận OCOP 4 sao.

Phát huy tiềm năng

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Trường Khương A, cho hay thời gian qua, HTX được ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP trên cây ăn trái và cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Qua đó, trái vú sữa và sầu riêng đảm bảo đạt chất lượng an toàn cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên, nông dân liên kết.

“Trên 70% sản phẩm của HTX được bao tiêu nhờ liên kết với các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu. Việc vú sữa Lò Rèn và vú sữa bơ hồng được thành phố công nhận sản phẩm OCOP 4 sao góp phần nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm trên thị trường”, ông Chiến hồ hởi nói.

Để phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm, HTX đã và đang từng bước xây dựng được vùng trồng vú sữa theo tiêu chuẩn an toàn, với tổng diện tích trên 45ha, trong đó có 25ha được canh tác theo tiêu chuẩn GAP nâng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nổi tiếng “khó tính”, với sản lượng bình quân gần 100 tấn vú sữa/vụ/năm.

Thế mạnh về cây ăn quả cùng nông nghiệp sạch là lợi thế để Phong Điền phát triển mạnh du lịch (Ảnh: BCT).

Thế mạnh về cây ăn quả cùng nông nghiệp sạch là lợi thế để Phong Điền phát triển mạnh du lịch (Ảnh: BCT).

Nhờ kết hợp hiệu quả giữa sản xuất cây trồng thế mạnh và phát triển du lịch trải nghiệm, HTX đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho 34 thành viên, với doanh thu trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Không chỉ là hiện tượng cục bộ, du lịch nông nghiệp ở Phong Điền đang ngày càng lan rộng và cho thấy hiệu quả kép về cả kinh tế và môi trường. Đến nay, Phong Điền có gần 50 điểm vườn du lịch nông nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ và các điểm du lịch liên kết.

Trong đó, huyện có 3 điểm được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu, gồm Làng du lịch Mỹ Khánh, Làng du lịch Ông Đề, Khu du lịch Lung Cột Cầu; 4 điểm được Hiệp hội Du lịch TP. Cần Thơ công nhận là điểm du lịch tiêu biểu, gồm Vườn trái cây Vàm Xáng, Vườn trái cây Giáo Dương, Vườn trái cây Chín Hồng, Khu nghỉ dưỡng Cantho Eco Resort.

Xác định hướng đi bền vững

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại-Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Ðiền, hơn 70% số du khách đến Phong Ðiền chọn các điểm vườn, du lịch sinh thái, trong đó phần lớn là khách đến từ Hà Nội, các tỉnh phía bắc, miền trung và khu vực Đông Nam Bộ.

Thời điểm khách đến với Phong Điền đông nhất là từ cuối tháng 4 đến hết mùa Hè, cũng là giai đoạn các vườn trái cây vào mùa chín rộ. Bình quân hàng năm, huyện thu hút trên dưới 3 triệu du khách tới tham quan, trong đó có hơn 50 nghìn khách quốc tế, doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Hiệu quả của du lịch nông nghiệp cũng là một trong những chìa khóa giúp Phong Điền trở thành một trong những lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo ở Cần Thơ.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy thế mạnh một cách bền vững, Phong Điền đã lập quy hoạch và định hướng phát triển du lịch sinh thái gồm 3 tiểu vùng: Vùng phát triển vành đai nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; Vùng phát triển điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với dã ngoại miệt vườn; Vùng chuyên canh rau màu tập trung và tham quan làng hoa kiểng, cây cảnh.

Song song đó, Phong Điền quan tâm thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đến nay, huyện có 8 nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 4 nhãn hiệu cây ăn trái gồm: Tổ hợp tác sầu riêng Tân Thới; cam mật không hạt Tám Đảo; chanh không hạt Trường Long; cây vú sữa Trường Khương A.

Huyện Phong Điền hiện cũng đã có 7 sản phẩm OCOP: vú sữa Lò Rèn và vú sữa bơ hồng của HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long; Làng du lịch Mỹ Khánh; bánh hỏi mặt võng Út Dzách; nhãn Ido của HTX Nhãn Nhơn Nghĩa; sầu riêng Tân Thới và sợi sấy thăng hoa Đông trùng hạ thảo. Đây chính là những điểm tựa để nông dân Phong Điền tiếp tục thực hiện “vườn nào, thức ấy”, hút triệu du khách, kiếm bộn tiền.