Nuôi tôm công nghệ cao – xu hướng mới để phát triển kinh tế biển

Chia sẻ:

Những năm gần đây, các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú trên địa bàn tỉnh đang thu hẹp dần diện tích, thậm chí bỏ đìa, chuyển sang con nuôi khác. Để khắc phục những nguyên nhân như môi trường nuôi bị ô nhiễm, nuôi theo phương pháp truyền thống rủi ro cao, gần đây đã có hộ tiên phong áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, nuôi tôm thẻ tuần hoàn khép kín, đem lại hiệu quả cao. Đây cũng là định hướng chiến lược phát triển ngành nuôi biển, nuôi trồng thủy sản ven bờ công nghệ cao mà tỉnh đã đề ra.

Nuôi tôm trong nhà lồng

Từ 2017 đến nay, cũng như các khu vực nuôi tôm khác trong tỉnh như Tuy Phong, La Gi, Hàm Tân các hộ nuôi tôm thịt ở xã Hòa Thắng – huyện Bắc Bình gặp rất nhiều khó khăn. Đầu ra không ổn định, tôm rớt giá, chi phí thức ăn tăng cao, cộng thêm môi trường nuôi bị ô nhiễm, khiến nhiều chủ cơ sở bỏ đìa, hoặc chuyển sang nuôi cá, ốc hương. Từ năm 2005, là một trong những hộ nuôi tôm đầu tiên ở xã Hòa Thắng, ông Bùi Văn Tri (thôn Hồng Thắng) bắt đầu với 2 ao theo kiểu nuôi truyền thống trong ao đất. Theo thời gian, ông Tri cũng gói ghém mở rộng dần cơ sở nuôi. Đến năm 2017 - 2018, thị trường tôm thịt trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung rơi vào khủng hoảng, giá thấp chưa từng có, cộng với môi trường nuôi không đảm bảo, bị ô nhiễm khiến tôm nuôi thời điểm ấy liên tục “rớt đáy”.

 

Để đầu tư 1 ao nuôi theo công nghệ hiện đại, chi phí khoảng 500 triệu đồng.

Trong năm 2018, ông Tri sang Thái Lan, đến các tỉnh miền Tây học hỏi mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Về địa phương, ông mạnh dạn thay đổi quy trình sản xuất sang kiểu nuôi mới an toàn, đạt chất lượng. Từ vài ha ban đầu, ông thuê thêm đất, mở rộng vùng nuôi, làm cuốn chiếu đến nay khu nuôi tôm công nghệ cao của ông rộng khoảng 20 ha có 9 khu với 68 ao nuôi (mỗi ao rộng khoảng 800 – 1.000m2) được đầu tư nhà lồng khép kín, hệ thống oxy, ao lắng… Anh Bùi Thiên Bảo – con trai ông Tri, trực tiếp quản lý khu vực nuôi này cho biết: “Để đầu tư 1 ao nuôi theo công nghệ hiện đại, chi phí khoảng 500 triệu đồng. Do chi phí đầu tư cao, nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư. Tuy nhiên, khi đã áp dụng mô hình này thì tỷ lệ nuôi thành công sẽ khả quan hơn và giúp người nuôi nhanh thu hồi vốn”.

Mỗi ao tôm được đầu tư nhà lồng khép kín, tỷ lệ nuôi thành công cao hơn.

Phân tích quá trình nuôi, anh Bảo chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi sẽ lấy nước đầu vào là nước biển, sau đó sẽ xử lý hóa chất bằng clo khí, thuốc tím và BAC. Qua các hệ thống ao lắng, hết hóa chất mới bắt đầu cấp vào ao nuôi. Với quy trình nuôi tôm công nghệ cao, chúng tôi sử dụng 100% chế phẩm vi sinh, thân thiện môi trường, hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo tiêu chuẩn của Cục Thủy sản và ngành chức năng. Đặc biệt, quy trình nuôi sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, khi tôm giống mua về không thả trực tiếp vào ao nuôi như trước đây, mà sẽ được nuôi trong ao vèo từ 25 - 30 ngày tuổi. Thời gian này tôm con được chăm sóc kỹ lưỡng gần giống như môi trường trong trại sản xuất tôm giống, khi tôm khỏe, tăng trưởng ổn định sẽ được thả ra ao nuôi lớn. Cách làm này đảm bảo khi tôm được san thưa ra sẽ có điều kiện thích ứng tốt nhất với môi trường ngoài. Giai đoạn 2, sau khi ươm trong vèo khoảng 30 ngày, sẽ chuyển ra các ao nuôi thương phẩm với mật độ nuôi khoảng 100 - 120 con/m2. Ao nuôi tôm thịt cũng được thiết kế kỹ lưỡng, không chỉ xử lý nước, môi trường bảo đảm các tiêu chuẩn quy định mà còn trải bạt từ đáy lên cao hơn bờ ao khoảng 50cm để ngăn không cho sinh vật gây hại vào đầm. Phía trên còn che lồng bằng lưới, giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ bên ngoài.

Qua các hệ thống ao lắng, hết hóa chất mới bắt đầu cấp vào ao nuôi.

Kết hợp du lịch sinh thái

“Sau 90 - 120 ngày nuôi, chúng tôi thu hoạch từ 2,8 – 3 tấn/ao, đạt size 30 – 40 con/kg. Với giá tôm hiện tại 180.000 đồng/kg size 30 con, sau khi trừ chi phí đầu tư, chúng tôi cũng lãi được vài trăm triệu đồng/ao. Mỗi năm chúng tôi nuôi từ 3 – 4 vụ, nếu giá tôm tăng cao và tiết kiệm được thời gian nuôi dưới 90 ngày, thì người nuôi sẽ có lời nhiều hơn”, anh Bảo cho biết thêm.

Sau 90 - 120 ngày nuôi, thu hoạch từ 2,8 – 3 tấn/ao, đạt size 30 – 40 con/kg.

Được biết, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Tri được nhiều bà con nuôi tôm trong tỉnh quan tâm, đến học hỏi kinh nghiệm và đã có hộ nuôi ứng dụng khá thành công. Trước đó, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã triển khai mô hình “Hệ thống máy thổi khí trong ao nuôi tôm” tại cơ sở của ông Tri và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình đó, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận sẽ tiếp tục triển khai tại các địa phương khác trong tỉnh, vì đây là một trong những tiêu chí quan trọng để con tôm chắc, khỏe, ít bệnh khi tôm nuôi với mật độ cao.

Khu nuôi tôm công nghệ cao rộng khoảng 20 ha có 9 khu với 68 ao nuôi.

Cơ sở đang hướng đến nuôi tôm kết hợp du lịch sinh thái.

Hiện tại, cơ sở của ông Tri đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 người địa phương. “Trong tương lai, chúng tôi đang hướng đến nuôi tôm kết hợp du lịch sinh thái. Du khách đến tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao, có thể trải nghiệm các công đoạn te tôm, vớt tôm và thưởng thức các món ăn từ tôm trực tiếp. Ngoài ra, chúng tôi đang triển khai thêm vài dịch vụ vui chơi khác để du khách có thêm 1 điểm đến thú vị khi tham quan khu du lịch Hòa Thắng – Bắc Bình”, anh Bảo chia sẻ thêm.

Bình Thuận đang thực hiện “Đề án phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nhấn mạnh các giải pháp nhằm đẩy mạnh nghề nuôi trồng thủy sản tại các địa phương theo điều kiện sinh thái từng vùng và có ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo đột phá trong nuôi trồng thủy sản trên biển. Hy vọng, thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm nhiều cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, phát huy hết tiềm năng lợi thế, vực dậy ngành kinh tế biển – vốn là thế mạnh của tỉnh nhà.