OCOP chỉ là giấy thông hành, sản phẩm muốn bán được cần niềm tin của khách hàng
Các chủ thể OCOP cần thay đổi tư duy sản xuất và bán hàng trong thời đại công nghệ AI và 4.0 là nội dung chính tại Hội thảo “Tìm giải pháp nâng cao năng lực thương mại” tổ chức tại Đắk Lắk hôm nay 7/6.
Đắk Lắk hiện có 237 sản phẩm OCOP, trong đó có 14 sản phẩm 4 sao. Số lượng sản phẩm lớn, nhưng vẫn khó mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô, năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, việc lập hồ sơ OCOP còn gặp khó khăn. Hoạt động xúc tiến thương mại còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuyên, Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý Tây Nguyên, nhầm lẫn lớn nhất của các chủ thể khi cho rằng có chứng nhận OCOP nghĩa là đã xây dựng thương hiệu và người tiêu dùng sẽ biết đến. Các hợp tác xã, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất và bán hàng trong thời đại công nghệ mới.
“Sao của OCOP chỉ là tờ giấy thông hành chứ không phải thương hiệu, mà thương hiệu là niềm tin của khách hàng. Khi có giấy thông hành thì phải song hành quảng bá chất lượng để khẳng định thương hiệu của mình thì lúc đó sản phẩm của chúng ta mới nâng tầm lên. Thứ hai là tập trung đào tạo đội ngũ bán hàng và đặc biệt tận dụng tốt cơ hội nền tảng công nghệ để làm tốt trong giai đoạn hiện nay” - TS Nguyễn Ngọc Tuyên nói.