OCOP góp phần kiến tạo kinh tế nông thôn Yên Bái
Không những đáp ứng yêu cầu tại thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài, trong đó có cả những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Quan trọng hơn là, các sản phẩm OCOP của Yên Bái đều gia tăng giá trị, giúp chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và tăng doanh thu, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư và xã hội.
Đại biểu thẩm trà tại Hội nghị xúc tiến thương mại.
30 sản phẩm OCOP Yên Bái được trưng bày, quảng bá tại Hội Báo toàn quốc
Ngày 7/5/2018, chính thức ban hành chính sách tổng thể cấp quốc gia về Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 1/8/2022, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được ban hành kèm theo Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Từ đó tới nay, Chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp cả nước, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất các địa phương.
Với sự cam kết và nỗ lực của chính quyền địa phương, tỉnh Yên Bái đã triển khai chương trình OCOP một cách quyết liệt. Các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân địa phương đã hợp tác chặt chẽ để tìm kiếm, phát triển và thúc đẩy các sản phẩm đặc sản của tỉnh.
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP của tỉnh đã mang lại kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả Tiêu chí "Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn" trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao.
Số sản phẩm tham gia và được công nhận sản phẩm OCOP tại Yên Bái ngày càng nhiều, phong phú về chủng loại, mẫu mã… Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh xuất xứ sản phẩm và chủ thể sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và thuận tiện cho cơ quan quản lý trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường xuất khẩu hướng đến cả những thị trường khó tính, có giá trị cao.
Đến hết năm 2023, tỉnh đã tổ chức đánh giá, chứng nhận được 234 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao và 209 sản phẩm đạt 3 sao. Chương trình OCOP của tỉnh đã lan tỏa và huy động được 127 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ kinh doanh tham gia. Từ đó, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, từng bước xây dựng thương hiệu nhãn hiệu cho sản phẩm địa phương.
Mở đường cho sản phẩm OCOP
Thực tế cho thấy, sau khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đầu ra sản phẩm tốt hơn rất nhiều bởi được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Các sản phẩm nông nghiệp và thủ công của Yên Bái có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, được quảng bá và tiếp thị thông qua các triển lãm, hội chợ và gian hàng trực tuyến thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách.
Nhờ đó, thuận lợi cho việc xây dựng các thương hiệu địa phương, tăng cường niềm tin của người tiêu dùng và tạo ra các cơ hội việc làm mới cho người dân nông thôn. Nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, như Trà quế Phương Nhung, Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng, Diệp trà Shan tuyết, Hồng trà Shan tuyết... Điều này cho thấy các sản phẩm nông sản của tỉnh còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế, có khả năng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Không những đáp ứng yêu cầu tại thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài, trong đó có cả những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Quan trọng hơn là, các sản phẩm OCOP đều gia tăng giá trị, giúp chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và tăng doanh thu, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư và xã hội.
Hành trình kiến tạo kinh tế nông thôn ở Yên Bái không chỉ dừng lại ở việc phát triển các sản phẩm đặc sản. Chính quyền và cộng đồng địa phương còn đẩy mạnh các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy du lịch nông thôn. Điều này đã tạo ra một môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và khai thác tiềm năng kinh tế của Yên Bái.
Ngoài tạo ra những cơ hội kinh doanh và việc làm, chương trình OCOP còn đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của các dân tộc thiểu số trong khu vực. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình OCOP cũng đặt ra một số thách thức.
Một trong số đó là việc nâng cao nhận thức và kỹ năng về quản lý, tiếp thị và bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp và nhà sản xuất địa phương. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ về vốn và công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất.
Trên hành trình kiến tạo kinh tế nông thôn, chương trình OCOP đã góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của địa phương. Nhờ sự kết hợp giữa việc tạo ra giá trị kinh tế và bảo tồn văn hóa, chương trình đã tạo ra một sức hút lớn đối với du khách và đối tác kinh doanh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vững chắc hơn vào sự phát triển xã hội và du lịch của Yên Bái. Sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền, các tổ chức và cộng đồng địa phương sẽ tiếp tục là động lực để chương trình ngày càng phát triển, góp phần tạo nên một tương lai tươi sáng cho kinh tế nông thôn Yên Bái.