Phát triển diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP
Nhằm tạo ra nguồn sản phẩm cây ăn quả an toàn, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, các địa phương trong tỉnh đang tích cực xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP.
Người dân xã Xuân Hồng (Thọ Xuân) trồng bưởi Diễn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thực hiện kế hoạch phát triển cây ăn quả tập trung trên địa bàn huyện Thọ Xuân, đến nay toàn huyện đã quy hoạch được 1.643,44ha cây ăn quả. Trong đó, diện tích thu hoạch đạt 1.199,5ha; diện tích cây ăn quả tập trung đạt 559,71ha; diện tích tập trung từ 3ha trở lên đạt 407ha. Diện tích một số cây ăn quả chủ lực của huyện chủ yếu là dứa, cam, bưởi, chuối, ổi, thanh long, xoài... tập trung ở các xã Thọ Xương, Xuân Bái, Xuân Hồng, Xuân Trường, thị trấn Lam Sơn... Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã đầu tư đưa các loại cây cam, bưởi vào trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích gần 30ha. Sản phẩm cây ăn quả chủ yếu được tiêu thụ trong và các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An... thông qua hệ thống siêu thị và chợ đầu mối.
Nhằm nâng cao giá trị cây ăn quả, huyện Thọ Xuân đã xây dựng và được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Luận Văn” cho sản phẩm bưởi Luận Văn; nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cam Xuân Thành và bưởi Bắc Lương. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 3 sản phẩm cây ăn quả được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, như: bưởi Luận Văn Hải Đăng, cam Thành Nguyên, bưởi Phú Bắc.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân Lê Thị Dung cho biết: Để tạo điều kiện cho người dân phát triển diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, huyện tích cực đẩy mạnh việc tích tụ tập trung đất đai để liên kết sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao. Đồng thời, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến để hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất cây ăn quả, gắn sản xuất với công tác thu hoạch, bảo quản chế biến và thị trường để nâng cao giá trị và chất lượng cây ăn quả, nhất là tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung của huyện. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, tạo điều kiện cho các HTX, trang trại, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm; xây dựng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của cây ăn quả; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện trên địa bàn tỉnh có 481ha cây ăn quả đã được chứng nhận VietGAP. Đến nay, tại các địa phương trong tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP, như vùng trồng cây ăn quả 5ha tại xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc); vùng trồng cam, bưởi 15ha, vải không hạt 27ha, thanh long ruột đỏ 11ha, bơ Israel 34,5ha, xoài keo 10ha của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm (Ngọc Lặc); vùng trồng cây ăn quả tập trung tại các xã Yên Ninh, Yên Trường, Yên Phú (Yên Định) với diện tích 32,4ha...
Nông trại Chung Thủy tại thị trấn Vân Du (Thạch Thành) trồng 83ha các loại cây có múi như cam Vinh, cam đường canh, bưởi da xanh, bơ... được vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel. Đây là nông trại đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP và đang canh tác theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, bước đầu đã hình thành chuỗi sản xuất bưởi hữu cơ của trang trại Nguyễn Xuân Organic Farm liên kết với Công ty CP Tập đoàn Grove Group sản xuất “Bưởi diễn hữu cơ Mộc Ân” xã Yên Thọ (Yên Định) với diện tích 16ha.
Để mở rộng diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực tuyên truyền, tập huấn cho người dân về sản xuất theo quy trình VietGAP. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ các địa phương thành lập HTX, tổ hợp tác tại các xã, thị trấn có vùng trồng cây ăn quả đủ điều kiện áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả có hiệu quả cao. Tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết, liên minh giữa doanh nghiệp, HTX và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để hình thành vùng nguyên liệu trồng từng loại cây ăn quả.