Phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP, thúc đẩy kinh tế nông thôn

Chia sẻ:

Phát triển du lịch gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP góp phần tìm đầu ra bền vững cho nông sản, nâng cao giá trị kinh tế và đưa nông sản Việt vươn xa, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của từng địa phương…

 

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế. Việc nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa-du lịch (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cà Mau…).

Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển kinh tế.

Nhờ đó, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước như Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+…

Đồng thời, các sản phẩm OCOP đã bước đầu được đưa lên trên các kênh thương mại điện tử mua sắm trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart, trên nền tảng TikTok…

Để phục vụ cho khách du lịch, các địa phương, phải có đủ điều kiện về hạ tầng cho các công ty du lịch dẫn được khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm như đường tiếp cận, bãi đỗ xe lớn, tập hợp đa dạng các sản phẩm, … Như vậy vừa có thể giới thiệu vừa kích cầu tiêu thụ các sản phẩm OCOP của địa phương. Thậm chí, một số sản phẩm du lịch đặc trưng cũng có thể được công nhận là sản phẩm OCOP.

Ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Long Thuận (xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết, phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp đang đem lại giá trị khá cao cho nông dân, vừa giúp nông sản đến tận tay khách hàng và giúp nông sản vươn xa. Cụ thể, vừa qua ông Khanh đã tận dụng 8.000 m2 đất vườn trồng bưởi, dừa sáp và nhiều loại thuốc nam khác để giới thiệu đến du khách. Mặt khác, ông cũng xây dựng được hình ảnh con người và quê hương miền Tây với khu du lịch mang tên “Ve chai Thần kỳ” để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của miền Tây.

Với kinh nghiệm của bản thân, ông Khanh cho rằng, các đơn vị, doanh nghiệp nông nghiệp cần phải làm cái gì độc, lạ và có tính bền vững mới thu hút được khách du lịch. Không chỉ thế, đây còn là giải pháp tạo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp cũng như tạo một điểm đến thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm cuộc sống của sông nước miền Tây.

Nhận định về khả năng tiêu thụ của sản phẩm OCOP trên thị trường, ông Đặng Quý Nhân, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện địa phương nào cũng có thể có sản phẩm OCOP nhưng thực tế, sản phẩm nổi trội lại chưa nhiều.

Việc thiếu đầu tư cho mẫu mã, bao bì, sản xuất còn thiếu các tiêu chí an toàn, chưa nâng cao chất lượng sản phẩm làm giảm đi tính cạnh tranh của sản phẩm OCOP trong các siêu thị hay hệ thống phân phối.

"Tôi cho rằng các địa phương cần thay đổi cách làm sản phẩm OCOP (đặc sản địa phương, mỗi xã một sản phẩm) để đạt giá trị gia tăng cao hơn", ông Nhân bày tỏ.

Đây là thực tế mà Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cũng chỉ ra cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP.

Hiện nay, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng.

Số lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn trong bối cảnh sức mua trong nước còn yếu sau đại dịch Covid-19.

Mặc dù cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP nhưng các điểm tập trung sản phẩm OCOP chưa nhiều, điểm phục vụ khách du lịch lại càng hiếm. Do đó, các địa phương để thúc đẩy sản phẩm OCOP gắn với du lịch cần tính toán đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp đón khách du lịch và nên tập hợp đa dạng sản phẩm OCOP tại điểm du lịch.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP cần phải tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Việc truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; công tác quản lý thị trường và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm OCOP cần được đẩy mạnh hơn nữa.