Phát triển kinh tế hợp tác xã gắn với Chương trình OCOP
Kỳ I: Lợi ích kép từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
Phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX) gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”(OCOP) được xác định là chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm nông thôn, gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển cả về chất và lượng.
Sản phẩm OCOP của HTX dịch vụ sơ chế và tiêu thụ rau an toàn Tứ Xã đã có mặt trong hệ thống siêu thị.
“Gắn sao” cho sản phẩm HTX
Sau gần 5 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, Chương trình OCOP đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng, nhận thức của thành viên HTX về ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển các sản phẩm OCOP được nâng lên rõ rệt. Để tạo bước đột phá, khẳng định dấu ấn địa phương trên từng sản phẩm, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành chức năng trong tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tư vấn hỗ trợ, triển khai đăng ký sản xuất sản phẩm chủ lực tham gia Chương trình OCOP; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, tư vấn, xác định sản phẩm chủ lực, thiết kế mẫu mã, bao bì, tem nhãn, thủ tục hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, cách thức xây dựng thương hiệu sản phẩm... Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các HTX đã nỗ lực, vượt khó để sản phẩm có “sao”. Toàn tỉnh hiện đã có 235 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 127 sản phẩm của HTX (có 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 4 sao, 97 sản phẩm hạng 3 sao, chiếm 49,03% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh).
Đến thăm HTX sản xuất, chế biến chè Phú Thịnh, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ - HTX liên tiếp có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao trong giai đoạn 2021-2023, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm chè xanh có sự đổi thay rõ rệt từ bao bì đến chất lượng sản phẩm. Hiện nay, HTX đang trồng, chăm sóc 25ha chè chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP như: LDP1, Kim Tuyên, Hương Bắc Sơn... Sản lượng hàng năm đạt khoảng 250 tấn chè búp tươi, tương đương 50 tấn chè xanh thương phẩm. Ông Nguyên Hữu Hồng - Giám đốc HTX cho biết: Quá trình thực hiện để đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, đòi hỏi HTX phải chuẩn hóa từ vùng nguyên liệu, phân bón hữu cơ, quá trình phun thuốc sinh học và quy trình chế biến sản phẩm. Để tạo ra những sản phẩm chất lượng và giá trị, các sản phẩm OCOP được kiểm tra chặt chẽ về quy trình trong tất cả các bước, từ chất lượng, bao bì đến các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ...
Cùng chung mục tiêu xây dựng sản OCOP, HTX dịch vụ sơ chế và tiêu thụ rau an toàn Tứ Xã, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đồng thời đẩy mạnh liên kết mở rộng diện tích, đảm bảo sản xuất theo quy trình thống nhất, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra, sẵn sàng cạnh tranh với các thương hiệu, nhãn hiệu khác trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc HTX thông tin: Hiện nay, HTX đã có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm: Rau mồng tơi, rau cải bó xôi, măng tây, dưa lê, rau cần tây. Sản phẩm được tiêu thụ tại các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu, HTX phấn đấu chuẩn hóa thêm nhiều sản phẩm mới, nâng hạng sản phẩm cải bó xôi và măng tây từ tiêu chuẩn OCOP 3 sao lên tiêu chuẩn OCOP 4 sao với hy vọng sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Có thể thấy, việc “gắn sao” là việc làm cần thiết, thể hiện sự đầu tư và chú trọng trong các khâu sản xuất, kinh doanh của các HTX; là động lực để các chủ thể OCOP thay đổi phong tục tập quán canh tác, tìm tòi, áp dụng các tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình tạo ra sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh trao đổi hàng hóa, tạo điều kiện cho người dân địa phương có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
HTX sản xuất và kinh doanh bưởi Chí Đám, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng sử dụng phòng trừ dịch bệnh bằng các biện pháp sinh học để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP 4 sao.
Gia tăng giá trị, phát triển bền vững
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển cây bưởi, những năm qua, không ít thành viên của 13 HTX trên địa bàn huyện Đoan Hùng đã cùng nhau trồng, mở rộng diện tích cây bưởi. Đến nay, toàn huyện có khoảng 2.450ha, trong đó diện tích bưởi Bằng Luân và bưởi Sửu chiếm khoảng 1.400ha, bưởi Diễn trên 800ha, còn lại là một số giống bưởi khác như bưởi Xuân Vân, bưởi da xanh...
Nhằm duy trì và giữ vững chất lượng sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm đã được công nhận của các HTX, huyện Đoan Hùng chỉ đạo các HTX tiếp tục trồng bưởi sản xuất theo hướng an toàn, tạo ra mẫu mã quả đẹp, chất lượng tốt; hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc; thực hiện cơ chế hỗ trợ và tìm đầu ra ổn định, đặc biệt là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích để ổn định đầu ra, giúp người dân yên tâm canh tác.
Thực hiện Chương trình OCOP, từ năm 2021 đến nay, huyện đã công nhận 25 sản phẩm của 23 chủ thể sản xuất, trong đó có trên 56% chủ thể là HTX. Trong số các HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, huyện có 8 sản phẩm OCOP từ cây bưởi, riêng sản phẩm bưởi Bằng Luân của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất, kinh doanh bưởi đặc sản Bằng Luân, bưởi Sửu Chí Đám của HTX sản xuất và kinh doanh bưởi Chí Đám đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế sau khi được công nhận, ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh bưởi Chí Đám khẳng định: “Giá trị kinh tế của sản phẩm bưởi sau khi được đánh giá, xếp hạng OCOP đã tăng từ 20% trở lên so với trước đây, doanh thu từ sản phẩm bưởi cũng tăng 10 - 20%. Nhờ đó, đã có nhiều vườn bưởi đặc sản, bưởi Diễn của các thành viên HTX trồng trên 15 năm, cho thu nhập bình quân 250 - 300 triệu đồng/ha/năm”.
Lợi ích kép từ Chương trình OCOP đối với các HTX đã được khẳng định, giúp người dân thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, chuyển từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang hướng hàng hóa, tăng giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đặc biệt, phát triển kinh tế HTX của tỉnh luôn gắn với Chương trình OCOP phát triển cây trồng, vật nuôi đặc trưng. Nhiều HTX đã có doanh thu, lợi nhuận hàng năm cao, tạo việc làm ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế cho HTX và các thành viên. Đây cũng là môi trường thuận lợi kết nối các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương với người tiêu dùng trong cả nước.
Theo bà Vũ Thị Minh Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh, việc triển khai Chương trình OCOP đã tiếp thêm động lực cho các HTX đầu tư phát triển sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, mang đậm nét văn hóa của các địa phương; chủ động nâng cấp về chất lượng, mẫu mã, bao bì và định hướng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhờ sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng và sự năng động của các HTX nhiều sản phẩm OCOP mới đã ra đời, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của các HTX theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các HTX gắn với Chương trình OCOP vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Kỳ II : Đổi mới để thích ứng