Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng đa dịch vụ
Những năm qua, tỉnh đã quan tâm, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể (KTTT) , nòng cốt là hợp tác xã (HTX) trong các ngành nghề, lĩnh vực, trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, chương trình OCOP. Các HTX đã và đang phát huy hiệu quả trong việc tập trung, khai thác, sử dụng các nguồn lực sẵn có tại địa phương, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới.
Đa dạng dịch vụ
Toàn tỉnh có 585 HTX đang hoạt động, trong đó có 444 HTX dịch vụ nông nghiệp; 125 HTX công nghiệp, thương mại dịch vụ; 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải, chuyên chở hàng hóa. Các HTX tạo việc làm thường xuyên cho 4.378 lao động. Năm 2023, tỉnh có 204 HTX tham gia nộp ngân sách gần 20 tỷ đồng. Một số HTX tham gia nộp thuế nhiều như: HTX sản xuất khai thác đá vôi Đội Cấn 2,9 tỷ đồng; HTX kinh doanh Khai thác và Sản xuất vật liệu xây dựng Thắng Lợi 2,79 tỷ đồng; HTX Dịch vụ bốc xếp Việt Tiến Tuyên Quang nộp trên 6 tỷ đồng...
HTX Nông lâm nghiệp Tam Đa (Sơn Dương) phát triển mảng gia công linh kiện điện tử.
Là loại hình HTX chiếm chủ lực toàn tỉnh, các HTX dịch vụ nông nghiệp đã và đang thực hiện tốt vai trò liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm chủ lực của vùng, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Đồng thời, trực tiếp tham gia ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm các cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: cam, chanh, ớt, dưa chuột...
Một trong những HTX tham gia tích cực vào việc phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân HTX chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương). Hiện HTX có 38 thành viên tổ chức sản xuất và ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ dưa chuột với trên 1.200 hộ trồng với 170 ha dưa chuột trên địa bàn tỉnh. HTX cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật đặc biệt bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người trồng theo hợp đồng ký liên kết.
HTX nông lâm nghiệp Thổ Bình (Lâm Bình) đã củng cố lại theo luật và phát triển đa dạng dịch vụ. Ông Ma Ngọc Thành, Giám đốc HTX cho biết: HTX nông lâm nghiệp Thổ Bình được thành lập từ năm 1978, đến năm 2014 chuyển sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, khắc phục mọi khó khăn, HTX đã tái cơ cấu sản xuất, xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh cụ thể, liên kết với các hộ dân, doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, hoạt động của HTX đã hoạt động ổn định với 17 thành viên tham gia, vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Các ngành nghề kinh doanh chính là cung cấp vật tư nông nghiệp; giống cây trồng, vật nuôi, sơ chế nông sản, chăn nuôi gia súc, dịch vụ công ích; quản lý khai thác công trình nước sạch, chợ nông thôn.
Đến nay, xã Thổ Bình đã hình thành vùng liên kết sản xuất lạc thương phẩm trên địa bàn xã với diện tích trên 250 ha, sản lượng hàng năm trên 1.300 tấn, doanh thu từ cây lạc hằng năm đạt trên 800 triệu đồng/năm. Nâng cao giá trị từ cây lạc, HTX đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị bảo quản, sơ chế lạc và ép tinh dầu lạc. Hiện tinh Dầu lạc Thổ Bình đạt OCOP 4 sao; sản phẩm lạc củ, lạc nhân và dê núi được xếp hạng OCOP 3 sao.
Thay đổi tư duy sản xuất
Để HTX phát triển phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện tại thì người đứng đầu HTX phải mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, linh hoạt, sáng tạo, nhạy bén với thị trường trong phát triển dịch vụ, lĩnh vực sản xuất.
Sản xuất giày da do HTX chè Quang Minh và Công ty TNHH J-STAR VINA Tuyên Quang liên kết.
HTX chè Quang Minh, xã Tứ Quận (Yên Sơn) trải qua 20 năm đã phát triển đa dịch vụ từ sản xuất chè đen xuất khẩu, làm gỗ băm, sản xuất giày thể thao xuất khẩu. Giám đốc HTX chè Quang Minh Phạm Đình Huỳnh cho biết, HTX bắt buộc phải “lột xác” để thích ứng với thời cuộc. Từ năm 2019, do dịch Covid - 19 thị trường xuất khẩu chè đen hẹp, giá lại thấp nên không có lợi nhuận mà chỉ làm để giữ nghề, giữ vùng nguyên liệu 30ha, và trên 1.000 hộ gia đình trồng chè, việc làm cho người lao động. Đồng thời, HTX tìm thêm hướng phát triển thêm dịch vụ, liên kết với Công ty TNHH J-STAR VINA Tuyên Quang đầu tư nhà máy sản xuất giày da tại xã Tứ Quận (Yên Sơn) với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, quy mô nhà xưởng 6.000 m2. Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng, hình ảnh những công nhân với đôi tay thoăn thoắt điều khiển máy móc, ông Huỳnh vui mừng nói: "Nhà máy sản xuất giày da của HTX có trên 600 lao động là hội viên và con em nông dân. Mới đưa vào sản xuất từ tháng 2-2023, thu nhập của công nhân làm tại nhà máy đã đạt từ 7- 9 triệu đồng/tháng. Dự kiến thời gian tới HTX sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất tạo việc làm cho trên 1.000 công nhân. Năng động, linh hoạt, phát triển đa dạng dịch vụ HTX Minh Quang đã ngày càng phát triển, thu nhập năm 2025 đạt 25 tỷ đồng.
HTX nông lâm nghiệp Tam Đa (Sơn Dương) đang đầu tư phát triển mạnh mảng gia công linh kiện điện tử, tạo việc làm cho cả trăm lao động. Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc HTX cho biết: Hiện HTX đang làm dịch vụ 60 ha mía liên kết với Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương và gia công linh kiện điện tử. Việc phát triển các mảng dịch vụ được Hội đồng quản trị HTX xác định là vấn đề sống còn của HTX. Nếu không tiếp cận với việc mới thì HTX sẽ không thể phát triển được, vì thế năm 2022 thành viên HTX đã góp trên 2 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, làm vốn quay vòng. Có thời điểm đã tạo việc làm cho 400 lao động địa phương. Tuy nhiên, cái khó nhất của HTX hiện nay là thiếu vốn.
Tỉnh xác định phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có trên 600 hợp tác xã, với trên 13.000 thành viên; bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; có trên 50 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Để kinh tế tập thể, HTX phát triển đúng với tiềm năng, đáp ứng xu thế thì ngoài sự năng động, linh hoạt trong chiến lược phát triển của từng HTX cũng cần có sự hỗ trợ của các cấp, ngành về cơ chế chính sách, vốn...