Phát triển sản phẩm nông sản theo hướng liên kết
Xác định sản phẩm nông sản đặc thù, chất lượng cao là thế mạnh để người dân trên địa bàn tỉnh nâng cao thu nhập, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Trong đó, chú trọng phát triển các mô hình liên kết, tiêu thụ nông sản của đồng bào. Nhiều mô hình liên kết được hình thành, từng bước khẳng định hướng đi hiệu quả cho kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa có sự liên kết tương đối rõ nét, như: Vùng thuốc lá tại Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh; vùng mía nguyên liệu tại Quảng Hòa, Thạch An, Hạ Lang; vùng trúc sào tại Nguyên Bình, Bảo Lạc... được các cấp, ngành, địa phương, nông dân và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ, đem lại lợi ích cho các bên tham gia, giúp giảm giá thành đầu vào, đảm bảo đầu ra, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản của địa phương.
Nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh khẳng định được vị trí trên thị trường, trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Hiện nay, toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP (gồm 13 sản phẩm OCOP 4 sao và 131 sản phẩm OCOP 3 sao) thuộc 4 nhóm sản phẩm, gồm: 124 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 11 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 6 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Chủ thể thực hiện gồm 91 chủ thể, 27 hợp tác xã (HTX), 7 tổ hợp tác, 10 doanh nghiệp, 47 hộ sản xuất, kinh doanh. Nhiều sản phẩm OCOP xây dựng được thương hiệu và chinh phục người tiêu dùng cả nước, điển hình như các sản phẩm miến dong Tân Việt Á của HTX Tân Việt Á, lạp sườn của HTX Tâm Hòa, chiếu trúc của Công ty TNHH 688 Cao Bằng…
Xã Phúc Sen (Quảng Hòa) với đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp xanh tốt quanh năm, trong đó có dự án trồng ngô ngọt, khoai lang… Nơi đây có lợi thế làng nghề truyền thống, đã đưa sản phẩm nông nghiệp của Phúc Sen đến với thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân. Anh Nông Văn Sơn, xóm Phja Chang, xã Phúc Sen cho biết: Xóm có làng nghề chuyên rèn các loại dao và dụng cụ truyền thống rất lâu đời, được ông cha gìn giữ và truyền lại cho con cháu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dao Phúc Sen là một trong những sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng.
Sản phẩm nông nghiệp của các địa phương trên địa bàn tỉnh được người tiêu dùng ưa chuộng.
Với mục tiêu tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, nhất là xây dựng thương hiệu sản phẩm, huyện Quảng Hòa triển khai lồng ghép các chương trình trọng tâm, kế hoạch, đề án về phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Việc sản xuất, tiêu thụ, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được các doanh nghiệp và người sản xuất quan tâm thực hiện để giải quyết đầu ra cho nông sản. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, Kế hoạch số 825/KH-UBND ngày 8/4/2022 về thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, trong việc xây dựng và công nhận các sản phẩm OCOP, năm 2023, huyện công nhận thêm 19 sản phẩm OCOP, đưa tổng số sản phẩm đến nay lên 30 sản phẩm ở các cấp độ khác nhau. Với số lượng sản phẩm được công nhận, Quảng Hòa là một trong những huyện đứng đầu của tỉnh.
Hiện, trên địa bàn xã Nguyễn Huệ (Hòa An) có hơn 90,7 ha dong riềng với hơn 300 hộ sản xuất miến. Nhờ nguồn vốn cho vay từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ sản xuất, HTX đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng, tăng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Xã Nguyễn Huệ được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận miến dong Án Lại”. Qua đó, xác lập quyền với nhãn hiệu chứng nhận “Miến dong Án Lại” góp phần nâng cao giá trị kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô thị trường tiêu thụ cho sản phẩm miến dong Án Lại, thúc đẩy phát triển ngành nghề truyền thống.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An Đàm Thanh Hưởng cho biết: Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn được cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm. Xuất phát từ thực trạng miến dong Án Lại được bà con sản xuất từ lâu đời, tuy nhiên, mẫu mã, chất lượng, nhãn hiệu thời gian qua chưa được quan tâm. Được tỉnh quan tâm xây dựng nhãn hiệu chứng nhận miến dong Án Lại, đây là cơ hội cho sản phẩm miến của Hòa An nói chung và Án Lại nói riêng có thể xúc tiến thông qua các trang bán hàng trên các nền tảng số. Thúc đẩy tiêu dùng và giá trị nông nghiệp đối với sản phẩm miến, từ đó khẳng định chất lượng sản phẩm, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Để các nông sản sạch, chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh tích cực đưa sản phẩm lên nhiều sàn thương mại điện tử có uy tín. Hơn 330 sản phẩm nông sản của tỉnh đã đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart như: thạch đen, lạp sườn, hạt dẻ, miến dong, bún khô, bí thơm, dao Phúc Sen, trà, nhóm mặt hàng tinh dầu, rượu ngô, hoa hồi khô, giảo cổ lam, nấm hương rừng, gạo nếp, thịt hun khói… Số truy cập và đăng ký mua hàng trung bình đạt hàng nghìn lượt người/tháng. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quảng bá, bà con có điều kiện phối hợp, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng trên sàn thương mại điện tử, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn hơn.