Phát triển sản phẩm OCOP từ vùng chuyên canh hợp tác xã

Chia sẻ:

Từ bước đi đó, nhiều hợp tác xã đã phát triển sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên.

hop-tac-xa-nong-nghiep.jpg

Sơ chế rau, củ, quả tại Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm).

Giúp nâng giá trị cho vùng chuyên canh

Nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, thổ nhưỡng của xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) rất phù hợp với việc trồng cây ăn quả. Chuối tiêu hồng trồng ở Nam Sơn không những ngọt mà còn thơm đậm; đu đủ vừa ngọt, vừa có mã đẹp. Từ lợi thế đó, từ năm 2020, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Nam Sơn đã chọn 2 sản phẩm chuối và đu đủ để dự thi đánh giá, phân hạng OCOP và được chứng nhận 4 sao và 3 sao.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Nam Sơn Nguyễn Văn Việt cho biết: “Mỗi sào, chúng tôi trồng 65 gốc. Mỗi gốc chuối nếu thu vào dịp Tết có giá 300-500 nghìn đồng/buồng; ngày thường cũng bán được 6.000 đồng/kg. Bình quân mỗi buồng chuối khoảng 20-25kg, thu được 120-125 nghìn đồng. Từ khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp của xã được nâng cấp toàn diện. Hợp tác xã được thành phố hỗ trợ về tem nhãn và xúc tiến thương mại nên thường không đủ hàng để bán”.

Cùng có lợi thế sản xuất nông nghiệp, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) có vùng bãi sông Hồng rộng lớn, là vùng trồng rau trọng điểm của thành phố. Cả xã có 285ha sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng rau gần 200ha. Ước mỗi năm, từ vùng rau Văn Đức cung cấp khoảng 35.000 tấn rau xanh cho các siêu thị và chợ đầu mối. Phó Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Đinh Thị Luyến thông tin, để nâng cao giá trị sản xuất, cách đây ít năm, hợp tác xã đã chọn sản phẩm dự thi đánh giá, phân hạng OCOP và đã có 17 sản phẩm được chứng nhận.

“Từ khi tham gia Chương trình OCOP, các loại rau xanh của chúng tôi dễ dàng thâm nhập vào các kênh tiêu thụ siêu thị, bếp ăn tập thể. Từ đó, giá trị cây rau cũng cao hơn so với bán ở các chợ đầu mối”, bà Đinh Thị Luyến cho biết. Năm 2024, hợp tác xã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để thi đánh giá, phân hạng lại với sản phẩm hết thời hạn công nhận. Lần này, theo hướng dẫn, hợp tác xã chọn các loại rau để đánh giá theo bộ, như: Bộ rau ăn lá (rau muống, cải, dền...), rau ăn quả (bầu bí, mướp, đậu đỗ...), rau ăn củ (khoai tây, khoai lang, củ cải...), rau ăn bắp (bắp cải, ngô...)...

Đó chỉ là 2 trong số nhiều hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã khai thác tốt lợi thế, phát triển hiệu quả sản phẩm OCOP từ vùng chuyên canh. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.491 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động. Thành phố cũng có 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung. Lũy kế từ năm 2019 đến nay, thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm OCOP. Trong đó, khá nhiều sản phẩm OCOP được các hợp tác xã phát triển từ các vùng chuyên canh.

Tiếp tục khai thác lợi thế

Những con số trên cho thấy, các hợp tác xã đã và đang đóng góp rất tích cực cho mục tiêu Chương trình OCOP của Hà Nội. Việc có nhiều hợp tác xã phát triển sản phẩm để dự thi OCOP hằng năm cũng đã chứng minh Chương trình OCOP tạo nên sân chơi bình đẳng, minh bạch, không kém phần sôi động giữa các chủ thể sản xuất, kinh doanh.

Ghi nhận cho thấy, những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các hợp tác xã nông nghiệp đã được củng cố, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. Nhiều hợp tác xã đã tạo được sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất; chú trọng cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; đầu tư trang thiết bị máy móc, công cụ làm dịch vụ sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Cấn Văn Hồng thông tin, trên cơ sở xác định sản phẩm chủ lực mỗi vùng, Phúc Thọ đã và đang hỗ trợ các chủ thể OCOP, trong đó có các hợp tác xã hoàn thiện hồ sơ, đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng. Huyện đã xây dựng được các vùng chuyên canh tập trung, quy mô lớn, giá trị kinh tế cao gắn với vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp. Điển hình là vùng trồng bưởi Phúc Thọ ở các xã: Vân Hà, Tam Thuấn, Thanh Đa, Vân Phúc, Hiệp Thuận, Liên Hiệp; vùng trồng táo tại các xã: Thanh Đa, Tam Thuấn, Thượng Cốc; vùng trồng chuối tiêu hồng, chuối tây Thái Lan tại xã Vân Nam.

Để thúc đẩy phát triển các hợp tác xã gắn với Chương trình OCOP đến năm 2025, thời gian tới, Sở NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả; đổi mới, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để thành viên các hợp tác xã hiểu mục đích, ý nghĩa, từ đó tích cực phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.