Phát triển thương mại điện tử: Thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt
Các nền tảng thương mại điện tử đang là nơi tiêu thụ hàng Việt hiệu quả, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương…
"Cầu nối" tiêu thụ hàng Việt
PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin, đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15-17% tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có trên 14 triệu cửa hàng, 9.000 chợ nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, có khoảng 5,2 triệu hộ nông dân mở cửa hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Hàng năm có hơn 1,1 triệu hộ kinh doanh có doanh thu từ bán nông sản qua hình thức giao dịch thương mại điện tử. Đây là những định hướng lớn của Chính phủ trong việc thúc đẩy và coi thương mại điện tử là một trong những động lực lớn, quan trọng nhất để phát triển kinh tế số trong thời gian tới.
Từ tốc độ tăng trưởng của hoạt động thương mại điện tử, PGS.TS Trần Minh Tuấn nhận định mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 có thể đạt được.
Hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản được Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai nhiều năm nay (Ảnh: Vnpost)
Là đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử, ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Trung tâm kinh doanh phân phối – Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vnpost) cho biết, phân phối các mặt hàng nông sản là một trong những trọng tâm kinh doanh của Bưu điện Việt Nam. Hiện Bưu điện Việt Nam có mạng lưới 13.000 điểm bưu cục trên toàn quốc, luôn đồng hành cùng bà con trong tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trong giai đoạn trong và sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam hiện đang triển khai sàn thương mại điện tử buudien.vn, tiền thân là postmart.vn, là nơi giới thiệu, quảng bá nông sản đến người tiêu dùng trong nước. Từ sự hỗ trợ của Bưu điện Việt Nam, sàn thương mại điện tử buudien.vn đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các địa phương tiêu thụ hàng Việt.
Đơn cử, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Điện Biên thu thập thông tin của hơn 2.000 hội viên là hộ sản xuất kinh doanh giỏi; mở 1.200 tài khoản giao dịch trên sàn buudien.vn cho hội viên nông dân. Đồng thời, lựa chọn 40 sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương quảng bá trên gian hàng thương mại điện tử buudien.vn.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Điện Biên cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và tham gia các sàn thương mại điện tử, đơn vị đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, quảng cáo và quản lý gian hàng giúp doanh nghiệp bán hàng hiệu quả. Bưu điện tỉnh Điện Biên đã triển khai các chương trình hỗ trợ chi phí chuyển phát. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và tăng khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, bưu điện tỉnh đã chủ động và phối hợp với các hộ kinh doanh, HTX triển khai các chương trình truyền thông cũng như Livestream bán hàng trực tuyến giúp thay đổi nhận thức của người dân và người tiêu dùng trong giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Giải pháp này đã giúp nông sản Điện Biên tiêu thụ tốt hơn với doanh thu tăng cao hàng năm.
Tại Yên Bái, trong quý I/2024 có trên 400 tài khoản đã tạo app và cài trực tiếp sàn thương mại điện tử buudien.vn, 145 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn với 1.860 giao dịch phát sinh, có tổng giá trị hàng hóa 190 triệu đồng.
Livestream bán hàng giúp tiêu thụ tốt nông sản trên các sàn thương mại điện tử
Sàn thương mại điện tử buudien.vn đặt mục tiên năm 2024, đưa 100% các hộ sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên trên toàn quốc lên sàn và đưa 5.000 sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt đạt tiêu chuẩn, chất lượng lên sàn thương mại điện tử giúp người tiêu dùng có đa dạng sự lựa chọn, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã…
Hoặc với sàn Shopee, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, trong vòng 7-8 năm qua, Shopee đã làm việc với rất nhiều các nhà kinh doanh nhỏ lẻ và thấy rằng ở Việt Nam có những thế mạnh rất lớn về sản xuất, ví dụ như ngành may mặc. Tuy nhiên, những sản phẩm này chưa tiếp cận được quá nhiều trong thị trường nội địa do hiểu biết về thị trường nội địa từ các nhà kinh doanh xuất khẩu chưa nhiều; cách tiếp cận người tiêu dùng qua thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn mới; nhu cầu và thị hiếu của thị trường Việt Nam cũng khác với thị trường xuất khẩu.
“Chúng tôi cũng đã làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu để giúp họ cung cấp cho thị trường nội địa trước. Người sản xuất cứ tập trung vào sản xuất, còn chúng tôi lo vấn đề vận hành cũng như quảng bá sản phẩm ra thị trường, và đã được những kết quả rất tốt. Chúng tôi cũng giúp doanh nghiệp xuất khẩu ra thị trường khác, cụ thể ở Đông Nam Á, trong tương lai hy vọng tiếp cận các thị trường mới nhiều hơn nữa” – ông Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, sản phẩm Việt
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/05/2020 về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 chỉ rõ, một trong những định hướng và giải pháp lớn nhất là gắn thương mại điện tử với chuỗi giá trị làm sao để tăng giá trị, thúc đẩy hiệu quả của những mắt xích trong chuỗi cung ứng.
Mắt xích quan trọng nhất là thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong những vùng kinh tế trọng điểm, để xác định được những địa phương nào có những ưu thế từ những mặt hàng gì, địa phương nào có ưu thế trong lĩnh vực logictics hoặc trong tổ chức kho hàng để có thể tối ưu hóa hiệu quả của chuỗi cung ứng trong bối cảnh của khu vực.
Vấn đề thứ hai là làm việc với những sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa có hàm lượng sản xuất tại Việt Nam cao, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, nhất lá trong cao điểm mùa vụ. Hiện Bộ Công Thương vẫn phối hợp với Shopee, Lazada, Tiki hoặc những sàn thương mại quốc tế để tổ chức những gian hàng Việt và những tuần lễ hàng Việt để hỗ trợ bà con có thể tiêu thụ hàng hóa một cách tối ưu nhất.
Lâu dài hơn, ngoài việc tiêu thụ theo mùa vụ những sản phẩm đặc trưng theo vùng miền, đặc trưng của địa phương, chúng tôi cũng nỗ lực phối hợp với các sàn để xây dựng những thương hiệu trực tuyến cho hàng hóa Việt Nam, hướng đến để đưa những sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài; xây dựng và phát triển thương hiệu trực tuyến cho hàng hóa Việt Nam, đây cũng là một trong những định hướng ưu tiên.
Sau cùng là quy hoạch và phát triển mạng lưới logictics, tỉ trọng logictics hiện nay tương đối cao trong giá thành sản phẩm, đặc biệt là thương mại điện tử.
Về phía Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, thời gian tới, sàn thương mại điện tử Buudien.vn sẽ tiếp tục phát triển, trở thành nơi tiêu thụ các sản phẩm có giá trị đặc biệt của từng địa phương, sản phẩm OCOP có gắn sao và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong đó, ưu tiên sản phẩm đặc sản; các nhóm sản phẩm nông sản khô, nông sản chế biến phù hợp với quy trình vận chuyển hiện có của Bưu điện Việt Nam.
Thông qua nền tảng, Bưu điện Việt Nam sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, nhà cung cấp thông tin, truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng thương hiệu, xây dựng câu chuyện sản phẩm, giới thiệu và quảng bá nông sản đến người tiêu dùng nhằm nâng giá trị văn hóa và thương mại của sản phẩm ra thị trường.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin, so sánh và mua nông sản đặc sản, sản phẩm nông nghiệp tươi ngon, an toàn và đảm bảo chất lượng từ nhiều vùng miền và nhiều nhà cung cấp khác nhau; đồng thời tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm tùy chỉnh kèm dịch vụ giao hàng nhanh chóng, đáng tin cậy.
“Thời gian tới, Bưu điện Việt Nam đang hướng tới mô hình phối hợp cùng các chủ thể OCOP số hóa vùng trồng, đưa quy trình từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến lên sàn thương mại điện tử để người tiêu dùng theo dõi toàn trình. Đồng thời, nghiên cứu để mỗi địa phương sẽ có 1 điểm bán hàng OCOP, là nơi trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Hoặc triển khai Chương trình Chuyến xe OCOP nhằm hợp tác, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP” – ông Nguyễn Thế Anh nhấn mạnh.