Phú Yên: Sản lượng thủy sản tăng
Tháng 4/2024, mặc dù dịch bệnh trên thủy sản xảy ra rải rác ở một số vùng nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, hoạt động nuôi trồng thủy sản của địa phương cơ bản ổn định, sản lượng tăng so cùng kỳ.
Tăng diện tích và sản lượng
Theo Chi cục Thủy sản Phú Yên, trong tháng 4/2024, các địa phương trong tỉnh thả nuôi 275 ha giảm 0,9 % so cùng kỳ năm trước. Trong đó: cá các loại 16 ha tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước, tôm thẻ chân trắng 204 ha giảm 0,5% so cùng kỳ năm trước, tôm sú 7 ha, bằng cùng kỳ năm trước, thủy sản khác 48 ha giảm 4% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến hết tháng 4/2024, diện tích thả nuôi đạt 1.431 ha tăng 1,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó cá các loại đạt 168 ha, tăng 0,9%, tôm thẻ chân trắng 850 ha tăng 1,8%, tôm sú 202 ha tăng 0,5%, thủy sản khác 211 ha bằng 100% so cùng kỳ năm trước.
Sản lượng tôm giống sản xuất trong tháng đạt 155 triệu con. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, các cơ sở đã sản xuất được khoảng 220 triệu con giống (tôm thẻ chân trắng 190 triệu con, tôm sú 30 triệu con) tăng 2,7% so cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thu hoạch trong tháng 4/2024 đạt 1.156 tấn tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước (trong đó cá các loại 97 tấn, tôm sú 9 tấn, tôm thẻ chân trắng 920 tấn, tôm hùm 108 tấn, thủy sản khác 22 tấn). Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng đạt 2.241 tấn tăng 8,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó cá các loại 160 tấn giảm 2,5%, tôm sú 9 tấn tăng 3,7%, tôm thẻ chân trắng 1.710 tấn tăng 4,5%, tôm hùm 340 tấn tăng 13,7% so cùng kỳ năm trước.
Đến tháng 4/2024, tỉnh Phú Yên có 73.164 lồng, bè nuôi thủy sản, đạt 97,4% so cùng kỳ. Ảnh: Thanh Thắng
Tổng số lồng, bè nuôi trồng thủy sản đến tháng 4/2024 là 73.164 lồng, đạt 97,4% so cùng kỳ, trong đó huyện Tuy An 6.026 lồng (tôm hùm ương: 5.115 lồng, cá biển 991 lồng); thị xã Đông Hòa 16.852 lồng tôm hùm thịt; thị xã Sông Cầu 50.286 lồng (tôm hùm ương là 8.436 lồng, tôm hùm thịt là 40.914 lồng, cá biển 936 lồng) đạt 96,5% so cùng kỳ. Cũng trong tháng 4/2024, Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương trong tỉnh thông tin kết quả quan trắc vùng nuôi trồng thủy sản tại một số khu vực trong tỉnh 3 đợt, lũy kế hết tháng 4/2024 đã có tổng cộng 5 đợt.
Về dịch bệnh, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 11,5 ha tôm nuôi bị bệnh, trong đó 10 ha tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp và 1,5 ha tôm bị bệnh hoại tử cơ quan tạo máu, cơ quan biểu mô.
Chi cục đã chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y ở các địa phương có nuôi trồng thủy sản hướng dẫn người nuôi xử lý, tiêu độc ao nuôi tôm bị bệnh theo đúng quy định, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi, kịp thời hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng chống, khống chế dịch bệnh tránh lây lan.
Chủ động phòng bệnh
Hiện nay, thời tiết nắng nóng gây nhiều bất lợi, dễ phát sinh dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Đặc biệt, đối với tôm hùm lồng, theo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và theo dõi sức khỏe tôm hùm nuôi tại một số tỉnh trọng điểm khu vực Nam Trung Bộ 3 tháng đầu năm 2024 cho thấy: nhiệt độ nước trung bình tại các điểm quan trắc vùng nuôi tôm hùm là 28,8±1,50C, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 là 2,90C; một số thông số về môi trường như: NH4+-N, PO43--P, Vibrio spp. vượt giới hạn cho phép, chất lượng môi trường nước tiếp tục có xu hướng suy giảm. Dự báo đến hết tháng 6/2024, một số thông số môi trường tiếp tục biến động bất lợi như: nhiệt độ nước, NH4+-N, mật độ vi khuẩn Vibrio spp. tăng cao rất dễ xảy ra hiện tượng phú dưỡng thủy vực, nguy cơ dẫn đến sự nở hoa của tảo, làm ôxy hòa tan giảm mạnh vào thời điểm nắng nóng gay gắt.
Do đó, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y và các đơn vị trực thuộc có liên quan thường xuyên phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng và triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh thủy sản, tham mưu kịp thời cho các cơ quan chức năng xử lý và công bố dịch theo đúng quy định; phối hợp các địa phương phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh.
Người nuôi cần chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản; tuân thủ mùa vụ thả nuôi theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT; tuân thủ theo đúng quy trình trong việc chuẩn bị hệ thống nuôi, quản lý chất lượng nước và chăm sóc sức khỏe đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh và giảm thiểu các chất độc hại cho thủy sản nuôi.
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên: Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị nhiễm bệnh, người nuôi cần báo cáo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y biết để có biện pháp xử lý kịp thời…