Quảng Ngãi: làm gì để 'thúc' cơ giới hóa trong nông nghiệp?
Diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp ở Quảng Ngãi thấp, chưa đồng đều.
Từ thực trạng...
Đám ruộng có diện tích 1 hecta tại thôn 5 (xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức) là hình mẫu về ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi.
Sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc.
2 năm trước, đám ruộng này trồng rau màu, giá trị kinh tế mang lại không cao. Sau đó, HTX nông nghiệp Đức Chánh tiến hành dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng và liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mộ Đức. Công nghệ sạ cụm đầu tiên tại Quảng Ngãi cũng được ứng dụng tại đây.
“Sạ cụm tiết kiệm được giống so với sạ lan tiết kiệm nhân công và tiết kiệm chi phí đầu tư”- ông Nguyễn Đăng Đỏ (xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức) chia sẻ.
Vụ đầu tiên chuyển qua trồng lúa và lần đầu tiên ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, đến thu hoạch đã mang lại kết quả ngoài mong đợi với năng suất lúa tươi đạt hơn 75 tạ/hecta. Chi phí sản xuất giảm gần 1 nửa so với phương thức canh tác lúa truyền thống.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Đức Chánh Võ Ngọc Nam bày tỏ: “HTX Đức Chánh cơ giới hóa ở các công đoạn băm, gặt và phun thuốc bằng máy bay không người lái. Việc phun thuốc bằng máy bay không người lái vừa tiết kiệm nhân công, không hư hại lúa, vừa giúp bảo vệ sức khỏe cho bà con".
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, tỉnh đã sớm thực hiện chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp gắn với quá trình chuyển dịch cơ kinh tế gắn với phân công lại lao động ở khu vực nông thôn.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có chưa tới 1.000 máy gặt đập liên hợp.
Tuy vậy, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất còn rất thấp. Toàn tỉnh có hơn 3.600 máy làm đất, gần 1.400 máy phun thuốc bảo vệ thực vật và chưa tới 1.000 máy gặt đập liên hợp- những con số khiêm tốn so với các địa phương khác trong cả nước.
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh ở một số khâu còn ở mức thấp, không đồng đều. Khâu thâm canh, chế biến, bảo quản nông sản hầu như chưa được cơ giới hóa, sản xuất thủ công là chính. Việc cơ giới hóa cũng chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung cho cây lúa và ở khâu làm đất và thu hoạch, khâu gieo sạ và chăm sóc còn rất thấp.
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi trong một số khâu còn ở mức thấp.
Lĩnh vực trồng trọt và lĩnh vực chăn nuôi có tỷ lệ cơ giới hóa tăng lên theo từng năm. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có tốc độ cơ giới hóa nổi bật hơn so với lĩnh vực chăn nuôi. Tại các địa phương có diện tích đất dồn điền đổi thửa lớn, sản xuất lúa theo chuỗi giá trị đã góp phần đẩy tốc độ cơ giới hóa đạt tỷ lệ gần 100%.
Theo tính toán của ngành nông nghiệp, áp dụng cơ giới hóa giúp tăng khoảng 15% năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, và giảm tổn thất sau thu hoạch đến 3%.
Đến năm 2023, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 90%, khâu gieo sạ 0,4%, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật 45%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp 70%. Máy cơ giới chưa phát huy được hiệu quả cao do hạ tầng kém, ruộng đất manh mún, đường giao thông nội đồng xuống cấp, nhiều nơi không có bờ vùng bờ thửa nên máy cơ giới đi lại khó khăn.
... Đến giải pháp
Quảng Ngãi là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên hơn 5.100km², khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có hai mùa rõ rệt gồm mùa khô và mùa mưa.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ rất lớn nên khi vào vụ sản xuất thường thiếu hụt lao động, kéo dài thời vụ, làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm.
Để giải quyết vấn đề cấp bách này, ngành nông nghiệp xác định: đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là yêu cầu tất yếu, trong đó cơ giới hóa là ưu tiên hàng đầu.
Cơ giới hóa là ưu tiên hàng đầu để tăng năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách phù hợp hơn đối với lĩnh vực phát triển cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống tín dụng có chính sách tích hợp cùng vào cuộc để các hộ nông dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay được dễ dàng, thuận tiện.
Triển khai nhanh công tác dồn điền đổi thửa, làm tốt công tác quy hoạch đồng ruộng, thủy lợi, giao thông nội đồng đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa đồng bộ. Thực hiện và nhân rộng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nước cho các vùng chuyên canh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi...
Mô hình sạ lúa bằng máy sạ cụm ở huyện Mộ Đức.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho rằng, đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa là nhiệm vụ khó mà địa phương phải dồn sức thực hiện trong những năm tới:
“Thực trạng của tỉnh Quảng Ngãi là diện tích manh mún, nhỏ lẻ. Phải phá bờ, liền vùng, liền thửa, khi đó cơ giới hóa mới có hiệu quả. Chúng tôi dự kiến sẽ chọn một số huyện làm điểm khoảng vài trăm hecta tiến hành cơ giới hóa. Giai đoạn 2026-2030, chúng tôi đặt vấn đề trọng tâm là cơ giới hóa trong nông nghiệp, giúp nông dân sản xuất có hiệu quả tốt hơn".
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh, năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm sản đến năm 2030.
Đến nay, nhiều địa phương đã thí điểm xây dựng mô hình áp dụng cơ giới hóa, thành lập tổ dịch vụ. cơ giới hóa… Riêng đối với khu vực miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, do điều kiện sản xuất manh mún nên việc áp dụng cơ giới hóa khá chậm.
“Các địa phương nên tổ chức lại việc cơ giới hóa. Phải có thị trường cơ giới hóa, người nông dân tham gia vào thị trường ấy để doanh nghiệp tiếp xúc được người sản xuất. Chính quyền địa phương, ban ngành cần tập trung nghiên cứu để xây dựng trung tâm cơ giới hóa, tổ dịch vụ cơ giới hóa vừa đủ để ứng dụng đồng bộ cho bà con sản xuất trong từng lĩnh vực”- ông Thanh nói.