Sản phẩm OCOP chưa 'trưởng thành' khó vào siêu thị
Kỳ vọng vào siêu thị nhưng cũng lại mong muốn 'một mình một đường ray', khiến sản phẩm OCOP chưa thể đến với người tiêu dùng qua kênh phân phối hiện đại.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm OCOP đã và đang khẳng định được chất lượng, ghi dấu trên bản đồ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, nhưng thực tế cho thấy, sản phẩm OCOP chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất - kinh doanh chia sẻ rằng, việc tiếp cận và đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, dẫn tới sức cạnh tranh giảm sút…
Sản phẩm OCOP được quảng bá tại hệ thống siêu thị của Central Retail Việt Nam. Ảnh: Vũ Tân
Hợp tác xã Tiên Dương (huyện Đông Anh, Hà Nội) có 4 sản phẩm được công nhận OCOP, chủ yếu là sản phẩm rau hữu cơ, cùng các sản phẩm dược liệu như trà hoa vàng và một số được liệu bảo hộ được bản quyền giống. Bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương – cho hay, là hợp tác xã nhỏ, sản phẩm của chúng tôi được chọn gắn với giá trị bản địa. Với Tiên Dương, Đông Anh là xã sản xuất rau an toàn của TP trong nhiều năm qua, việc lựa chọn gắn với sự phát triển của địa phương chính là rau ăn lá. Tuy nhiên, Đông Anh đang trong quá trình lên quận, chúng tôi phải đối mặt với toàn bộ vùng trồng rau đều trong quy hoạch.
Sau thời gian cải tạo đất, các sản phẩm của chúng tôi đưa đến cho người tiêu dùng rất hài lòng. Hiện, lượng sản phẩm của chúng tôi được sản xuất theo kế hoạch và đáp ứng đủ cho người tiêu dùng tại địa bàn, không còn đủ số lượng để đưa vào siêu thị. Đó chính là cái khó khăn trong phát triển mở rộng diện tích và vướng quy hoạch đô thị. Năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương đã phải đầu tư liên kết với Sóc Sơn, Thái Nguyên để có nguồn trồng ổn định nhằm đảm bảo nguồn cung, chất lượng đầu ra của sản phẩm.
Công ty CP Sữa Con Bò Vàng (huyện Ba Vì, Hà Nội) hiện có hơn 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, trong đó, tiêu biểu là bánh sữa và sữa chua. “Nếu được vào kênh siêu thị thì thương hiệu của chúng tôi sẽ được nhiều người biết đến, tin dùng và chắc chắn sẽ bán được nhiều hàng hơn”, bà Phan Uyên - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Sữa Con Bò Vàng – chia sẻ và cho hay, hiện doanh nghiệp mới chỉ tiêu thụ qua các kênh cửa hàng nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được các hệ thống siêu thị. Nguyên nhân là muốn vào hệ thống siêu thị phải mất phí mở mã vạch và phải ký gửi hàng hóa thanh toán theo từng đợt. Đại diện doanh nghiệp này đề xuất, siêu thị có chính sách hỗ trợ phí mở mã vào hệ thống siêu thị, hỗ trợ về thanh toán tiền hàng luôn cho doanh nghiệp khi đưa hàng vào để hỗ trợ nhà sản xuất, phân phối.
Cũng gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại, ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao nêu thực trạng, Hợp tác xã dịch vụ Đông Cao (huyện Mê Linh, Hà Nội) có diện tích 200ha với sản lượng rau 60.000 tấn/năm.
Mặc dù TP. Hà Nội đã có hệ thống siêu thị hiện đại nhưng hiện việc tiêu thụ rau của Hợp tác xã chủ yếu thông qua các thương lái của hệ thống chợ truyền thống Hà Nội và các tỉnh. Trung bình từ 40 tấn/ngày, riêng vào thời kỳ tiêu thụ cao điểm vào các kỳ nghỉ lễ, tết có thể lên đến 400 tấn/ngày. Quá trình đưa sản phẩm rau xanh đạt tiêu chuẩn OCOP vào hệ thống siêu thị tiêu thụ gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo quản, vận chuyển.
Đại diện Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao cũng kiến nghị Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp dán tem nhãn sản phẩm OCOP khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ, qua đó Hợp tác xã có thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Trong khi đó, phía đầu phân phối cũng có cái khó của họ. Bà Nguyễn Thị Kim Dung- Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông cho biết, thống bán lẻ Saigon Co.op hiện có hơn 130 mặt hàng OCOP. Sản phẩm nông sản Việt luôn được ưu tiên bày bán ở vị trí đẹp, đặc biệt là thời điểm thu hoạch rộ. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP vào được kênh bán hàng này, buộc phải đáp ứng những yêu cầu về quy trình vào hàng, chất lượng và cả khâu thanh toán.
Ngoài ra, để sản phẩm OCOP được khách hàng biết tới nhiều hơn, các chủ thể OCOP bên cạnh tập trung vào đảm bảo chất lượng, sản lượng sản phẩm, cũng cần chú trọng vào thiết kế bao bì theo hướng bắt mắt, thu hút khách hàng, mà thông qua đó, người tiêu dùng có thể hiểu được câu chuyện về sản phẩm, tạo sự khác biệt với sản phẩm OCOP của vùng miền khác.
Đến nay, cả nước đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó gần 74% đạt 3 sao, gần 25% đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao. Chương trình OCOP đã thu hút hơn 7.400 chủ thể tham gia, bao gồm hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và tổ hợp tác.
Dù “dấu ấn” OCOP đã tương đối rõ, tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm này cũng còn những khó khăn nhất định. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là bởi sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế.
Ngoài yếu tố về quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản. Bên cạnh đó, khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn.
Trong thời gian vừa qua, các Sở, ngành, chức năng và cả doanh nghiệp phân phối cũng đã rất nỗ lực để có thể tăng sự hiện diện của sản phẩm OCOP tại các kệ siêu thị.
Riêng với hệ thống siêu thị, ngoài chiết khấu 0%, một số siêu thị đã tổ chức các tuần hàng, chợ phiên chuyên đề sản phẩm OCOP tại ngay khuôn viên siêu thị. Bên cạnh đó, các nhà phân phối, hệ thống siêu thị cũng tổ chức các buổi làm việc trực tiếp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể, từ đó, các chủ thể OCOP biết được yêu cầu, tiêu chuẩn, khả năng “vào hàng”.
Sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, của hệ thống siêu thị chỉ là "chất xúc tác". Rõ ràng, nỗ lực của một bên là không đủ, vấn đề cốt lõi vẫn phải xuất phát từ chủ thể sản xuất.Để sản phẩm OCOP vào được siêu thị, bắt buộc nó phải “trưởng thành", phải tuân theo luật chơi chung của thị trường bán lẻ hiện đại.
Chỉ khi chủ thể OCOP và các nhà bán lẻ hiện đại cùng đi chung trên một "đường ray", khi đó, sản phẩm OCOP mới có thể "vững chân" tại kênh phân phối này.