Sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, sàn thương mại điện tử được xem là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.
Chỉ trong một thời gian ngắn (2019-2023) triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, Kiên Giang đã có hàng trăm sản phẩm nông sản chất lượng được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao cấp quốc gia. Nhờ có chương trình OCOP, các địa phương đã khai thác được tiềm năng và thế mạnh sản phẩm đặc trưng, trở thành sản phẩm chất lượng, được khách hàng tin dùng, góp phần không nhỏ giúp nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn, giải quyết việc làm và giảm nghèo tại địa phương.
Đến nay, Kiên Giang có 257 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt hàng 5 sao cấp quốc gia, 39 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 212 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Trong xu thế chuyển đổi số, các chủ thể sản phẩm OCOP đã và đang từng bước thay đổi phương thức quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm để phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống như chợ, siêu thị, đại lý bán hàng, điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm, các chủ thể đưa sản phẩm lên quảng bá, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Postmart.vn… nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Chị Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát giới thiệu sản phẩm tôm khô đạt chuẩn OCOP với khách hàng.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Huỳnh Thanh Liêm - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Kiên Giang cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các đơn vị có liên quan hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kỹ năng số, cách thức đăng ký tài khoản thanh toán, mở gian hàng và các hoạt động bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Đến nay, Kiên Giang đã hỗ trợ 999 sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart để giới thiệu và giao dịch, mua bán; trong đó có đến 100 sản phẩm OCOP với tổng số 14.281 giao dịch, với tổng giá trị giao dịch trên 2,35 tỷ đồng.
Sở Công thương vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử Kiên Gang tại địa chỉ https://kigi.com.vn hỗ trợ 80 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với 140 sản phẩm tham gia trưng bày, quảng bá, mua bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên giao dịch tại sàn thương mại điện tử đã thu hút được một lượng khách hàng nhất định. Một số sản phẩm được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng chọn và đặt mua.
Người tiêu dùng truy cập trang thương mại điện tử postmart tìm mua sản phẩm OCOP.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP của hợp tác xã thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, nhờ đó hợp tác xã có thêm nhiều đơn bán hàng mới từ các đối tác không chỉ trong tỉnh mà còn ở các tỉnh phía Bắc, cũng như đơn hàng từ nước ngoài.
Ước tính dịp tết vừa rồi thông qua kênh bán hàng truyền thống như bỏ sỉ cho các đại lý, điểm bán lẻ tại chợ truyền thống, bán qua trang thương mại điện tử của Bưu điện, Liên minh Hợp tác xã, hợp tác xã cung ứng khoảng từ 4-5 tấn khô các loại, trong đó khoảng 2 tấn tôm khô, 2 tấn khô cá lóc, 1 tấn khô cá kèo và mắm.
Chị Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát cho biết: “Chọn bán hàng trên sàn thương mại điện tử sẽ là hướng đi mới cho hợp tác xã trong năm 2024. Sản phẩm được đăng bán trên sàn thương mại điện tử sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến, mở ra cơ hội cho hợp tác xã mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm nhiều đối tác khách hàng mới, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nhanh và nhiều hơn”.
Nguồn: baomoi.com