Sản phẩm OCOP, sứ giả hàng Việt
Các sản phẩm OCOP thời gian qua đang trở thành sứ giả kết nối người Việt dùng hàng Việt. Đồng thời đang trở thành động lực kinh tế của các địa phương, trọng tâm là khu vực nông thôn…
Động lực phát triển kinh tế của các địa phương
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, làng mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, Hà Nội Ảnh: Nguyễn Vũ
OCOP chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng
Sau hơn 5 năm thực hiện, chất lượng các sản phẩm OCOP được nâng cao và cải thiện, từ ứng dụng khoa học công nghệ đến bao bì mẫu mã. Công tác xúc tiến thương mại đã giúp cho các sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng khắp thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Chị Hoàng Lan, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay: “Trước đây, thực phẩm thiết yếu đến những thực phẩm công nghệ, nhà tôi thường mua hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, một phần do giá đắt, một phần lo ngại hàng ngoại nhập thường không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc rõ ràng. Nay trên thị trường có sản phẩm OCOP hàng sản xuất trong nước bởi giá cả hợp lý, chất lượng ngày càng được cải tiến và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên tôi chọn mua. Nhất là những sản phẩm thiết yếu rất yên tâm chăm lo cho đời sống gia đình”.
Cùng chung quan điểm với chị Lan, anh Trung ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết thêm: hiện tại trong các hệ thống siêu thị luôn có chương trình, gian hàng, kệ bán sản phẩm OCOP từ hàng rau, củ, trái cây sạch, hàng thực phẩm đến hàng thiết yếu đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được quét mã RQ. Rất yên tâm cho người tiêu dùng lựa chọn.
Có thể thấy, từ chỗ phải kêu gọi ủng hộ, đến nay sản phẩm OCOP hàng sản xuất trong nước đã thuyết phục khách hàng bằng cách nỗ lực cải thiện chất lượng, mẫu mã. Hàng trong nước đã có mặt ở hầu hết chuỗi siêu thị lớn nhỏ và hàng loạt cửa hàng tiện lợi. Các mặt hàng thiết yếu do doanh nghiệp Việt sản xuất đang đóng vai trò nòng cốt trong chuỗi cung ứng.
Phát triển sản phẩm OCOP không chỉ nâng cao chất lượng, mẫu mã, chỉ dẫn địa lý mà còn giúp cho mỗi người dân, hộ kinh doanh có thêm kiến thức, trách nhiệm đối với mỗi loại sản phẩm cung cấp ra thị trường. Từ đó chuyển đổi tư duy nông nghiệp sang tư duy hàng hóa, hòa nhập với thế giới.
Đường cao tốc đưa hàng Việt ra thế giới
Thành phố Hà Nội xác định xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng là vấn đề quan trọng nhất. Trung bình mỗi năm, Hà Nội đã tổ chức 4 sự kiện OCOP gắn với văn hóa các vùng miền trên cả nước. Từ đó, các chủ thể sản phẩm OCOP của Hà Nội và các vùng miền thuận lợi hơn khi tiêu thụ tại thị trường Thủ đô.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Chương trình Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết: để hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân xúc tiến thương mại tại thị trường quốc tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ thể OCOP của Hà Nội tham gia các hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ có uy tín do quốc tế tổ chức.
Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội ký hợp đồng với các đối tác của Thụy Điển về thiết kế mẫu mã sản phẩm OCOP của Hà Nội, đưa làng nghề của Hà Nội vào hệ thống các thành phố thủ công, mỹ nghệ trên thế giới.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, làng mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ: “Làng nghề không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa "nghề" với "nghiệp" mà còn chứa đựng những yếu tố tinh thần đậm nét, phản ánh qua các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến nghề sản xuất truyền thống. Mỗi sản phẩm làng nghề đều có câu chuyện riêng và đời sống tinh thần, nên sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn mang đậm nét văn hóa của từng địa phương, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.
Vì thế nghệ nhân cũng như thợ làng nghề rất mong muốn TP Hà Nội cần hỗ trợ và có nhiều giải pháp hơn nữa giúp các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ quốc tế ngày càng nhiều và sâu rộng để sản phẩm OCOP của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung được người tiêu dùng quốc tế biết đến”.
Theo ông Đặng Quý Nhân, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: sản phẩm OCOP có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng, nhưng hạn chế hiện nay là sự tham gia của các chủ thể vào Chương trình OCOP chưa thực sự chủ động; hoạt động đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm tuy có kết quả, nhưng vẫn còn hạn chế so với tiềm năng. Đồng thời, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc. Sự hấp dẫn của sản phẩm OCOP chưa thực sự chinh phục được khách hàng, đặc biệt là khách hàng nước ngoài. OCOP là đặc sản của địa phương, nên sản phẩm phải tinh túy hơn khi đến tay người tiêu dùng.
Từ năm 2023, thành phố Hà Nội đã định hướng đưa sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế. Cụ thể, tháng 3/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đưa sản phẩm OCOP tham dự hội chợ tại Cộng hòa Liên bang Đức. Đến tháng 12/2023, thành phố Hà Nội tiếp tục đưa 8 doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ sang Italy, đây là hội chợ truyền thống, uy tín, được tổ chức thường niên tại châu u thu hút hơn 2.550 doanh nghiệp của trên 86 quốc gia tham gia đến giao dịch, mua sắm trực tiếp và 600 thợ thủ công trên thế giới tham dự.