Sản phẩm OCOP vươn xa nhờ công nghệ số
Sản phẩm OCOP của huyện Hoằng Hóa được giới thiệu tại Khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm tỉnh Thanh Hóa năm 2024.
Sau khi đạt các chứng nhận OCOP 4 sao với các sản phẩm đông trùng hạ thảo khô, đông trùng hạ thảo nguyên con, viên nang đông trùng hạ thảo, HTX nông nghiệp xanh Haca (thị xã Nghi Sơn) đã đẩy mạnh phát triển kênh tiêu thụ bằng ứng dụng các nền tảng số như livestream bán hàng trực tuyến trên facebook. Phó Giám đốc HTX Trịnh Đức Trọng chia sẻ: “Chứng nhận sản phẩm OCOP đã giúp sản phẩm thuận lợi hơn trong tiêu thụ qua các kênh online. Với doanh thu khoảng 6 tỷ đồng/năm thông qua xuất bán từ 30.000 - 40.000 hộp đông trùng hạ thảo tươi/tháng, có tới 60% doanh thu đến từ các kênh facebook, zalo. HTX dự định sẽ tiếp tục đầu tư thêm kho lạnh và hệ thống đóng chai tự động, chuẩn hóa hơn quy trình sản xuất để tiếp tục đẩy mạnh doanh số; đặc biệt là tiếp tục đầu tư thêm nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm để thúc đẩy hoạt động quảng bá, khai thác lợi thế trên các sàn thương mại điện tử”.
Thực tế, nhờ nắm bắt lợi thế của công nghệ số, khai thác sớm các kênh thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp, HTX trong tỉnh không chỉ khai thác được thị trường tiêu thụ ổn định trên các trang thương mại điện tử, website bán hàng và mạng xã hội, mà còn tạo cơ hội cho sản phẩm vươn xa trên thị trường. Một số sản phẩm thông qua các hoạt động thương mại điện tử đã tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như sản phẩm mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; dứa, ngô ngọt, dưa bao tử đóng hộp Trường Tùng và dứa khoanh, dưa bao tử đóng hộp của Công ty TNHH Tư Thành đã xuất khẩu đi các nước châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia; các sản phẩm chế biến từ rau má của Công ty CP Phong Cách Mới xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc; các sản phẩm vải thiều của Công ty Hồ Gươm Sông Âm xuất khẩu sang thị trường Anh, Nhật Bản...
Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Yến Sào xứ Thanh (Hậu Lộc) thời gian qua đã tích cực quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm của mình qua các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Thông qua xây dựng kênh phân phối online đã góp phần đưa sản phẩm của công ty đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Yến Sào xứ Thanh Nguyễn Văn Tú cho biết: “Ngoài đầu tư kinh phí xây dựng website quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp đã thành lập riêng một bộ phận truyền thông chuyên bán hàng online qua các kênh thương mại điện tử như titok, shopee, sendo. Với hướng đi này, doanh thu của doanh nghiệp đã tăng tới 200% trong thời điểm dịch bệnh, tạo tiền đề để DN mở rộng sản xuất, kinh doanh hiện nay. Đầu năm 2024, công ty đã thành công với đơn hàng tổ yến sào và tổ yến chưng đầu tiên xuất khẩu đi Trung Quốc - một thị trường được đánh giá vô cùng rộng lớn, đặc biệt đối với sản phẩm từ yến sào”.
Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Yến Sào xứ Thanh (Hậu Lộc).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân đưa thêm 355 doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia sàn thương mại điện tử, với tổng số 400 sản phẩm OCOP. Đến nay, Thanh Hóa đã có khoảng 1.050 sản phẩm của khoảng 600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm tham gia quảng bá giới thiệu và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử voso.vn, posmart.vn, lazada, shopee, tiki. Thông qua việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh và giúp các doanh nghiệp, HTX tăng doanh số bán hàng bình quân từ 15 - 20%/năm.
Hiện nay, các sở, ngành của tỉnh cũng đã và đang hỗ trợ cập nhật, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiềm năng, có lợi thế của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh trên chuyên trang thông tin điện tử giới thiệu nông sản Thanh Hóa. Ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành như công thương, thông tin và truyền thông đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Cùng với đó, các cấp, ngành cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, trang trại và đặc biệt là các chủ thể OCOP cài đặt, sử dụng phần mềm nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa, dán tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản.