Sản xuất nông nghiệp không theo quy hoạch: Thiệt đơn, thiệt kép - Bài 4: Quy hoạch vùng chuyên canh để phát triển bền vững
Việc xác định quy hoạch vùng chuyên canh cho nông nghiệp không đơn thuần là giúp xác định diện tích đất canh tác mà còn giúp kiểm soát sản lượng và chất lượng nông sản. Quan trọng hơn, cho phép áp dụng được các quy trình canh tác bền vững, làm nền tảng để thực hiện được chương trình Net Zero mà Chính phủ đặt ra vào năm 2050 và gia tăng giá trị, vị thế nông sản Việt.
Ông NGUYỄN ANH ĐỨC, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM: Đảm bảo đầu ra cho nông sản
Quy hoạch vùng chuyên canh bền vững cần đảm bảo yếu tố cốt lõi là ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Muốn làm được vậy, phải xây dựng thương hiệu kết hợp mở rộng thị phần tiêu thụ sản phẩm nông sản. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đầu tư đủ cho nghiên cứu và phát triển, dẫn đến năng suất thấp và chi phí sản xuất cao, gặp khó khăn trong quản lý chuỗi cung ứng do thiếu vốn, kinh nghiệm và công nghệ. Tại thị trường nội địa, hàng Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ các nước có sản phẩm giá rẻ và chất lượng tốt như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... Mặt khác, vẫn còn tồn tại những sản phẩm có chất lượng chưa đồng đều, mẫu mã chưa phong phú, làm giảm khả năng cạnh tranh so với hàng ngoại; tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu... chưa được kiểm soát triệt để, gây ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín thương hiệu Việt.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM
Không chỉ vậy, hệ thống logistics của Việt Nam tuy có cải thiện khá nhiều thời gian qua, nhưng vẫn còn hạn chế về cơ sở hạ tầng và dịch vụ khiến chi phí cao, thời gian giao hàng kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng Việt. Trong thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, được doanh nghiệp quan tâm như: hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới máy móc, áp dụng khoa học - công nghệ; Chương trình OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm); hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, kết nối; hỗ trợ đưa sản phẩm địa phương lên các sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại góp phần đưa các thương hiệu hàng Việt, sản phẩm địa phương vươn xa…
Tuy nhiên, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai chương trình, đề án phát triển thương hiệu sản phẩm đã ban hành từ trước đến nay để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp; nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho chủ thể liên quan. Mặt khác, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và tuyên truyền, quảng bá sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu tiềm năng tại thị trường quốc tế. Đặc biệt, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm phải thực hiện cả ở 3 cấp độ thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, địa phương, ngành hàng và thương hiệu doanh nghiệp.
Về phía các doanh nghiệp, hộ nông dân, hợp tác xã… cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn; chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả. Đồng thời, sự hỗ trợ và các chính sách thúc đẩy hợp tác, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại… của Chính phủ, sự đồng hành của các hiệp hội ngành hàng, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của hàng Việt cả trong nước và trên thị trường quốc tế.
PGS-TS NGUYỄN HỒNG QUÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM: Phát triển bền vững phải gắn với sản xuất xanh
Để phát triển nông nghiệp bền vững thì các thế hệ hiện nay không chỉ khai thác tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích trước mắt, mà phải duy trì được khả năng ấy cho các thế hệ mai sau, bao gồm: gìn giữ được quỹ đất, quỹ nước, quỹ rừng, không khí và khí quyển, tính đa dạng sinh học… Chuyển đổi mô hình sản xuất từ “tăng trưởng về sản lượng, năng suất, sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên” sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp “xanh”, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM
Việc chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp. Doanh nghiệp Việt muốn tồn tại phải vượt qua bài toán “xanh” trong hoạt động sản xuất, với nhiều tiêu chí như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải.
Theo đó, cần rà soát, áp dụng, hoàn thiện giải pháp kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững. Cụ thể, áp dụng các giải pháp kỹ thuật về canh tác đảm bảo sản xuất bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện các quy trình xử lý phế phẩm sau thu hoạch, chuyển giao cho hộ nông dân, hợp tác xã. Cùng với đó, cần xây dựng các mô hình trình diễn, hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định, làm cơ sở cấp tín chỉ carbon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác nông sản phát thải thấp, hướng tới thị trường tín chỉ carbon trong và ngoài nước.
Cùng với quy hoạch vùng chuyên canh, về phía các cơ quan chức năng, địa phương đồng bộ với việc hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm logistics gắn với vùng chuyên canh có sự tham gia của các hợp tác xã và doanh nghiệp; tập huấn, chuyển giao biện pháp canh tác bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản trị, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số; xây dựng chương trình khuyến nông riêng cho phát triển sản xuất nông sản phát thải thấp, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực cho tổ chức khuyến nông cộng đồng.
Về phía địa phương, cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh. Trong đó, tập trung nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có và hoàn thiện hệ thống kênh mương kết hợp với giao thông nội đồng để chủ động tưới, tiêu, quản lý xâm nhập mặn, quản lý nước và thuận lợi cho máy móc vận hành, di chuyển; rà soát mạng lưới kho, sấy, chế biến trong vùng chuyên canh để tạo điều kiện về mặt bằng cho doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ; hình thành các trung tâm logistics ở các vùng chuyên canh nông sản chất lượng cao và phát thải thấp, bảo đảm cung cấp tốt các dịch vụ kỹ thuật và bảo quản sau thu hoạch.
Mặt khác, cần tranh thủ nguồn lực xanh để đẩy nhanh tiến trình xanh hóa cho ngành nông nghiệp. Theo đó, tập trung huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính carbon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới; huy động sự hỗ trợ từ các quỹ, các tổ chức quốc tế, các chính phủ và tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán các nước trong triển khai Chương trình giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo tại Việt Nam; tiếp cận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính không hoàn lại từ nguồn tài chính chuyển đổi tài sản carbon (TCAF) của Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ cho nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản.
TS TRẦN MINH HẢI, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách Công và Phát triển nông thôn: Kiểm soát được sản lượng và giá trị nông sản
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được triển khai rộng rãi tại 12 tỉnh thành, bao gồm: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, cho thấy, việc quy hoạch vùng chuyên canh lúa nói riêng và nông sản nói chung sẽ giúp xác định được lượng giống cần sử dụng, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên vật liệu… có nguồn gốc khoa học, lượng nước tưới và quy trình cần áp dụng để thực hiện canh tác bền vững. Cùng với đó sẽ định lượng được sản lượng nông sản tạo ra làm cơ sở để các địa phương tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất và số hộ áp dụng quy trình canh tác tiên tiến bền vững. Bên cạnh đó, các vấn đề như tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch, tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, chế biến, lượng phát thải khí nhà kính cũng sẽ được đưa vào kiểm soát và xử lý hiệu quả hơn. Quan trọng hơn, có thể gia tăng giá trị nông sản trong chuỗi cung ứng, nâng cao tỷ suất lợi nhuận của người nông dân.
TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách Công và Phát triển nông thôn
Về hiệu quả xã hội, hộ nông dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất, kế đến là các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh lợi ích kinh tế thu được, các hộ nông dân sẽ được tham gia liên kết với doanh nghiệp thông qua các hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm. Hợp tác xã được nâng cao năng lực, quản lý tài nguyên, ứng dụng khoa học công nghệ. Các hộ, hợp tác xã trong vùng chuyên canh sẽ được đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ canh tác. Nông dân được bảo vệ tốt trước thiên tai, dịch bệnh và sẽ được hưởng những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như chính sách bảo hiểm, tín dụng, quản lý đất lúa.