Sóc Trăng: phát triển bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm OCOP
Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) không chỉ nâng tầm nhiều loại nông sản, đặc sản địa phương mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, qua gần 6 năm triển khai Chương trình OCOP, Sóc Trăng có 237 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 18 sản phẩm đạt 4 sao, 219 sản phẩm đạt 3 sao của 135 chủ thể là công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Số lượng sản phẩm OCOP đến thời điểm hiện tại đã đạt và vượt 118% so với kế hoạch thực hiện Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
Sản phẩm Bột củ sen Châu Thành được trưng bày giới thiệu tại hội chợ.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm sau khi đã đạt sao OCOP, hầu hết các chủ thể OCOP đều quan tâm nâng cấp sản phẩm OCOP từ chất lượng đến hình thức sản phẩm, nhằm đáp ứng đa dạng các thị trường trong và ngoài nước.
Trong số những sản phẩm đạt sao OCOP gần đây, có một số sản phẩm được người tiêu dùng chọn như: Bột củ sen Châu Thành, sản phẩm từ trái hồng nhung, càng tôm, bánh pía...
Ông Võ Minh Luân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Tành (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Khai thác lợi thế của vùng nguyên liệu rộng lớn, dồi dào này, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Châu Thành đã thực hiện dự án “Xây dựng vùng nguyên liệu sen lấy củ, nghiên cứu quy trình trồng và chế biến bột củ sen tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng”.
Bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng tham quan các gian hàng Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng và đặc sản vùng miền năm 2024.
Qua đó nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm Bột củ sen Châu Thành bằng phương pháp sấy với ưu điểm không làm biến chất sản phẩm, giữ nguyên màu sắc tự nhiên và hạn chế thất thoát dinh dưỡng vốn có và đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng thông qua, sản phẩm đang từng bước hoàn thiện để đưa ra thị trường.
"Sản phẩm hứa hẹn sẽ mang đến một sản phẩm hội tụ đủ các yếu tố chất lượng cao, có truy xuất nguồn gốc, bao bì chỉn chu tạo dấu ấn riêng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng – điều mà phần lớn các sản phẩm khác hiện trên thị trường vẫn chưa đáp ứng đủ”, ông Võ Minh Luân giới thiệu.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Đóng góp lớn nhất của Chương trình OCOP là góp phần làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm đặc trưng của địa phương, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế của người dân.
Bên cạnh đó, chương trình còn giúp nguồn lực tại chỗ được khai thác tốt nhất và tái đầu tư trong khu vực nông nghiệp - nơi bắt nguồn và tạo ra các sản phẩm OCOP giúp tăng cường tích lũy nội bộ, tích lũy tại chỗ cho địa phương.
Giá trị sản phẩm làm ra được gia tăng nhiều hơn góp phần gia tăng giá trị sản xuất trong khu vực nông nghiệp và thương mại, dịch vụ. Các sản phẩm OCOP với chuẩn chất lượng quy định sẽ có được giá bán cao hơn, số lượng bán ra nhiều hơn, từ đó đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho chủ thể OCOP, góp phần cải thiện sinh kế của cộng đồng, gia tăng phát triển kinh tế địa phương.