Tập huấn cho cán bộ quản lý và chủ thể OCOP năm 2024
Ngày 14/11, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới (NTM) tỉnh tổ chức Hội nghị Tập huấn cho cán bộ quản lý và chủ thể chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024.
Các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn.
Tham dự hội nghị có đồng chí Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương; lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh và hơn 200 đại biểu là đại diện các sở, ngành, đơn vị có liên quan, lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị chuyên môn tham gia thực hiện, quản lý chương trình OCOP cấp huyện, các chủ thể OCOP là doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương chia sẻ về Chương trình OCOP tại hội nghị tập huấn.
Tính đến ngày 14/11, tỉnh Thanh Hóa có 553 sản phẩm OCOP trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố được công nhận. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm OCOP 3 sao. Tỉnh Thanh Hóa đang xếp thứ 3 toàn quốc sau TP Hà Nội và tỉnh Nghệ An về số lượng sản phẩm OCOP. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đã phát triển được 30 cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP và hàng chục điểm bán hàng OCOP dưới dạng quà tặng, quà lưu niệm tại các khu, điểm du lịch.
Tiến sĩ Đào Đình Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương trình bày các chuyên đề tài hội nghị.
Thông qua các chương trình quảng bá, kết nối, xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP Thanh Hóa đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Trong đó, có 30 sản phẩm xuất khẩu đến thị trường các nước: Hoa Kỳ, Nhật, Nga, Pháp, Trung Quốc... và có hơn 1/3 số sản phẩm OCOP được lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và các sàn thương mại khác, như: Lazada, Shopee, Tiki...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Thanh Hóa vẫn gặp một số khó khăn, như: sản phẩm chủ yếu theo mùa vụ với số lượng ít; các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, đáp ứng nhu cầu của thị trường với số lượng lớn, lâu dài. Cùng với đó, năng lực quản trị của các chủ thể còn hạn chế, thiếu kiến thức thị trường; một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn, công nghệ chế biến, bảo quản...
Toàn cảnh hội nghị tập huấn.
Trong thời gian 1 ngày, học viên được Tiến sĩ Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương phổ biến và trao đổi, chia sẻ các nội dung, gồm: Tham gia Chương trình OCOP để làm gì? Cách xây dựng câu chuyện sản phẩm; phát triển bao bì, nhãn mác cho sản phẩm OCOP; giải pháp thị trường cho sản phẩm OCOP...
Thông qua hội nghị tập huấn, các đại biểu được cung cấp thêm những thông tin, kiến thức mới, hữu ích về Chương trình OCOP. Đồng thời, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn để từ đó tìm ra hướng giải quyết phù hợp, góp phần giúp sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa phát triển bền vững và vươn xa hơn nữa.