Tập trung phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng
Xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các phong tục tập quán của bà con dân tộc thiểu số. Vì vậy, thời gian qua, chính quyền địa phương đã đặc biệt chú trọng tập trung phát triển các sản phẩm OCOP của người dân để phát triển du lịch.
Mỹ Lung được biết đến là xã có địa hình sơn thủy hữu tình, xung quanh được bao bọc bởi 3 dãy núi (núi Chinh, núi Nả, núi Đỗng) tạo ra một thung lũng có Ngòi Lao chảy dọc giữa xã với nguồn thủy sản phong phú đồng thời tạo ra nhiều khe suối cùng thác nước đẹp như Thác Quạt, thác 3 tầng, thác 100 tầng, thác Dùng... Nguồn sinh thủy phong phú là nơi khởi nguồn cho giống nếp đặc sản Gà Gáy Mỹ Lung - sản phẩm OCOP của tỉnh và cho ra đời nhiều món ăn dân dã, trở thành đặc sản địa phương như: Cá suối, bánh trứng kiến, rượu nếp Gà Gáy, rượu men lá Thảo Xuân...
Gia đình ông Phạm Thanh Tuyển, ở khu 9 trồng sắn dây ta cho năng suất và chất lượng cao
Đến thời điểm này toàn xã đã có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 3 sao. Hiện tại, sản phẩm Tinh bột sắn dây Trường Thịnh đã gửi hồ sơ tham gia chương trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP vào cuối năm nay nhằm phát triển hơn nữa các sản phẩm của địa phương.
Đồng chí Đinh Tiến Duật - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung cho biết: “Việc tập trung phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại Mỹ Lung. Bên cạnh đó, cùng với sự đồng lòng của Nhân dân, phát triển du lịch cộng đồng được kỳ vọng sẽ giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và hứa hẹn Mỹ Lung sẽ trở thành điểm dừng chân của du khách mỗi khi về với địa phương".
Thịt chua xứ Mường của hộ kinh doanh Khúc Văn Đạt, sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Là một xã có điều kiện tự nhiên trong lành, mát mẻ. Dường như thiên nhiên đã ưu đãi con người nơi đây để người nông dân có thể trồng và cho ra những củ sắn dây vô cùng chất lượng và đặc biệt hơn so với vùng khác. Đây cũng là một trong những số ít nơi trên cả nước có diện tích trồng sắn dây ta, loại sắn được trồng bằng cách đánh ụ to, cao, dây sắn leo trên các dàn dây thép.
Từ những lý do đó, cùng với mong muốn phát triển, đưa sản phẩm đặc sản quê hương đến tay người tiêu dùng trong khắp cả nước. Chính vì vậy, năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Nông dược xanh Mỹ Lung được thành lập trên cơ sở là tiền thân của Cơ sở chế biến bột sắn dây nguyên chất Trường Thịnh với 7 thành viên. Hiện, vùng nguyên liệu chính của HTX được chăm sóc bởi 25 hộ dân liên kết sản xuất nguyên liệu, theo quy trình VietGAP (có diện tích hơn 5 ha), theo hướng hữu cơ, được thu hái, chế biến theo quy trình khép kín đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. HTX sử dụng 100% lao động là người địa phương, thường xuyên tạo việc làm cho lao động với mức thu nhập ổn định.
Ông Phạm Thanh Tuyển, ở khu 9 cho biết: Gia đình ông hiện trồng 2,5ha sắn dây chu kỳ 8 tháng đang chuẩn bị cho thu hoạch, dưới mỗi ụ sắn dây ông trồng thêm ngô sinh khối, thu nhập bình quân từ sắn dây và ngô gần 100 triệu đồng/năm, góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống.
Hay như đối với sản phẩm Thịt chua xứ Mường của hộ kinh doanh Khúc Văn Đạt, sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Trước đây, món ăn này chỉ được người dân chế biến phục vụ gia đình. Một số hộ đã làm thịt chua bán lẻ cho bà con trong xã. Thấy được việc làm thịt chua hiệu quả, chính quyền xã cũng đã định hướng cho bà con chế biến thành sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, đã góp phần gìn giữ và quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của người Mường, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho người dân...
Bên cạnh những nguồn tài nguyên hiện có, xã Mỹ Lung cũng rất mong muốn và quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP. Đây là những điều kiện cần để thúc đẩy phát triển du lịch tại xã, góp phần tạo sinh kế cho người dân, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc Mường, Dao đang sinh sống.
Việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch bước đầu mang lại kết quả khả quan cho địa phương. Từng bước góp phần nâng cao giá trị kinh tế, khơi dậy các tiềm năng về sản vật, giá trị ẩm thực văn hóa vùng miền và mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương cho sản phẩm OCOP của xã Mỹ Lung nói riêng và huyện Yên Lập nói chung.