Tập trung phát triển nông nghiệp thông minh theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu
Để bắt nhịp thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân, đưa các địa phương trong tỉnh thoát nghèo bền vững, năm 2019, tỉnh ban hành Đề án 'Nông nghiệp thông minh tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030', trong đó xác định rõ lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến đang là xu thế và coi là bước đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, các địa phương xây dựng nhiều vùng cây đặc sản, đặc hữu mang thương hiệu riêng.
Vùng sản xuất thuốc lá xã Nam Tuấn (Hòa An).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó phát triển nông nghiệp thông minh theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu, trên cơ sở đánh giá lợi thế, đặc điểm của từng vùng, các địa phương trong tỉnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất, đạt hiệu quả sản xuất cao. Các huyện, Thành phố đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng thế mạnh bằng việc mở rộng diện tích cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng và chăm sóc nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm. Năm 2023, toàn tỉnh trồng mới 65,13 ha lê, tương ứng 81,4% kế hoạch (KH), nâng tổng diện tích cây lê toàn tỉnh lên 523,85 ha; trồng mới 30 ha dẻ, tương ứng 16,2% KH, nâng tổng diện tích dẻ toàn tỉnh lên 744,02 ha; cây thạch đen có 337 ha, giảm 223 ha so với KH; trồng mới 260 ha thuốc lá, tương ứng 173,3% KH, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 3.770 ha.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi và phát triển lâm nghiệp, tỉnh hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu, bò cho 2.917 con, đạt 194,5% KH. Hỗ trợ phát triển chăn nuôi đàn lợn nái, lợn thịt 3.849 con, đạt 194,5% KH; hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi 85,8 ha, tương ứng 78,4% KH. Trồng mới 844,23 ha hồi, đạt 415,9% KH, nâng tổng diện tích cây hồi toàn tỉnh lên 8.360,89 ha; trồng mới 1.814,19 ha quế, đạt 403,2% KH, nâng tổng diện tích cây quế toàn tỉnh lên 6.722,59 ha; trồng mới 308,12 ha trúc sào, đạt 102,7% KH, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 4.496,82 ha; trồng mới 192 ha mác ca, đạt 286,6% KH, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 282,46 ha.
Việc xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm được quan tâm thực hiện, trong đó, Dự án xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Sở khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư với tổng số vốn 16,5 tỷ đồng thực hiện thi công các hạng mục công trình nhà ở cán bộ, nhà sản xuất giống thực vật bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, nhà trực kỹ thuật, kho…; Dự án đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, với tổng vốn 2 tỷ đồng, đến nay, đã hoàn thành xây dựng 3 nhà ươm giống cây, lắp đặt các thiết bị, hệ thống tường rào bao quanh. Để triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, năm 2023 Hội đồng thẩm định cấp tỉnh đã thẩm định 58 hồ sơ. Đối với Dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng, triển khai thực hiện 472 dự án với 18.998 hộ tham gia.
Với những kết quả bước đầu trong việc phát triển vùng nông nghiệp cây, con đặc hữu, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, sản xuất an toàn, hữu cơ, hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển các cây trồng có lợi thế của vùng, tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm tạo ra sản phẩm có thương hiệu, giá trị và sức cạnh tranh cao trên thị trường. Tỉnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ phát triển sản phẩm và tìm các giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho người dân.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 144 sản phẩm được công nhận OCOP, gồm: 13 sản phẩm đạt 4 sao và 131 sản phẩm 3 sao, nhiều sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao. Dự kiến năm 2024, sẽ có thêm 70 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao trở lên (gồm 59 sản phẩm đăng ký mới, 11 sản phẩm hết hạn chứng nhận tham gia đánh giá lại). Tổ chức trưng bày sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh tại Hội chợ Quốc tế Trung quốc - ASEAN năm 2023; sự kiện “Cao Bằng - Điểm đến và phát triển”; 16 Hội chợ triển lãm, hội nghị, chương trình kết nối giao thương, với hơn 150 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh. Qua đó, có 9 đơn vị ký hợp đồng phân phối sản phẩm với siêu thị Big C, AEON, VinMart, LOTTE Mart, sàn giao dịch thương mại điện tử và mở được các đại lý tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành phố trong nước…
Tỉnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ phát triển sản phẩm và tìm các giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho người dân.
Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Để thực hiện tốt hơn các nội dung đột phá về nông nghiệp, tỉnh tiếp tục thu hút, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến; thực hiện liên kết từ đầu tư sản xuất cho đến bao tiêu sản phẩm. Tăng diện tích trồng mới các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế như lê, hạt dẻ, thạch đen, thuốc lá; phát triển chăn nuôi hộ gia đình, gia trại, trang trại thông qua việc hỗ trợ làm chuồng chăn nuôi cho trâu, bò sinh sản, vỗ béo, lợn nái; hỗ trợ mua con giống; hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi. Rà soát diện tích đất có thể phát triển lâm nghiệp để trồng tăng thêm cây hồi, quế, trúc sào, mác ca. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với điều kiện của tỉnh; chú trọng các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tăng cường lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp; huy động, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn; khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông minh, công nghệ cao vào sản xuất.