Thanh Hóa: Sản phẩm OCOP gặp khó trong quá trình gia hạn và nâng sao
Nhiều chủ thể sản phẩm OCOP tại Thanh Hóa đang gặp khó khăn khi làm thủ tục xin chứng nhận lại sản phẩm OCOP hay hoàn thiện hồ sơ để nâng sao cho sản phẩm.
Hồ sơ nâng sao sản phẩm OCOP mắc kẹt vì rườm rà
Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa hiện có 479 sản phẩm được gắn sao và hàng chục sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng lại khi hết hạn 36 tháng công nhận. Song, đến nay toàn tỉnh mới có 1 sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 1 sản phẩm đã đăng ký nâng hạng, đang chờ thẩm định.
Theo đánh giá chung, các sản phẩm khi được công nhận là sản phẩm OCOP đều phát triển tốt, mở hướng phát triển mới cho kinh tế nông thôn. Nhiều sản phẩm đã thực sự trở thành sản phẩm chủ lực của vùng, miền. Nhiều chủ thể đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất để sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp.
Sản phẩm OCOP mỹ nghệ của Công ty Việt Anh phục vụ xuất khẩu nên rất cần được thẩm định để nâng sao sản phẩm (Ảnh Công ty Việt Anh)
Tuy nhiên, theo quy định, giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao có thời gian là 36 tháng. Sau khi hết thời hạn hiệu lực, cơ quan quản lý Chương trình OCOP các cấp thông báo, hướng dẫn các chủ thể đăng ký, đánh giá, phân hạng lại sản phẩm theo kế hoạch và chu trình. Thế nhưng, quá trình thực hiện hồ sơ, chờ Hội đồng đánh giá, thẩm định lại gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty CP sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh cho biết: “Ngay từ giai đoạn đầu Công ty đăng ký tham gia sản phẩm OCOP, được Hội đồng đánh giá cao và đã có sản phẩm đạt 4 sao. Để tiếp tục nâng sao cho sản phẩm, công ty đã tích cực hoàn thiện hồ sơ cho 3 sản phẩm OCOP lên 5 sao. Tuy nhiên, đã 3 năm nay vẫn chưa có kết quả, trong khi thủ tục, hồ sơ sửa đi sửa lại nhiều lần rất mất thời gian”.
Không chỉ những sản phẩm nâng sao gặp khó, mà ngay cả những sản phẩm hết hạn, cần thẩm định lại cũng đang vướng vào “bế tắc” trong việc cấp giấy chứng nhận. Họ cho rằng, việc công nhận lại cũng phải đảm bảo thủ tục hồ sơ, kinh phí như cấp mới, nhưng lại chưa có cơ chế hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ thể sở hữu 6 sản phẩm OCOP về Đông trùng hạ thảo tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Khi chúng tôi đã tập trung đầu tư để sản phẩm được nâng sao thì lại gặp không ít khó khăn về thủ tục, hồ sơ do trước tôi là hộ sản xuất kinh doanh, nay chuyển sang Doanh nghiệp nên vấn đề bảo hộ cũng như giấy chứng nhận Sở hữu trí tuệ về nhãn mác cho sản phẩm vẫn chưa xong. Không chỉ có vậy, những sản phẩm OCOP của tôi chờ thẩm định lại vẫn không được. Trong khi sản phẩm vẫn vậy”.
Cũng theo ông Tuấn, chi phí để làm hồ sơ nâng hạng cho sản phẩm tốn kém như cấp mới nhưng mức hỗ trợ theo quy định lại rất ít, dẫn đến nhiều chủ thể không mấy mặn mà trong việc nâng sao sản phẩm.
Gặp khó khi áp dụng bộ tiêu chí mới
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về sự “chậm trễ” trong việc nâng sao cũng như cấp lại giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, ông Phạm Văn Sinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn cho biết: “Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2021-2025 có nhiều thay đổi, tiêu chí đánh giá khắt khe hơn. Đồng thời, bổ sung một số tiêu chí mới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, như: Sở hữu trí tuệ, tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm… dẫn đến nhiều sản phẩm đã lập hồ sơ để thẩm định nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ sở hữu 6 sản phẩm OCOP tại huyện Nga Sơn đang gặp không ít khó khăn trong việc xin cấp lại giấy chứng nhận (Ảnh VT)
Cũng theo ông Sinh, sau khi Bộ Tài Chính ban hành Thông tư 55 ngày 15/8/2023 quy định mức chi thưởng cho các sản phẩm OCOP 5 sao, 4 sao, 3 sao lần lượt là 15 triệu đồng, 10 triệu đồng và 8 triệu đồng; mỗi sản phẩm OCOP chỉ được nhận thưởng 1 lần ở cùng mức độ sao công nhận. Trường hợp nâng sao chỉ được hưởng thêm mức chênh lệch giữa 2 mức độ sao. Tức là nếu nâng từ 3 sao lên 4 sao, sản phẩm được hưởng mức chênh là 2 triệu đồng, từ 4 sao lên 5 sao được hưởng 5 triệu đồng đã khiến cho các chủ thể gặp rất nhiều khó khăn, vì kinh phí thẩm định lại cũng tương đương với cấp mới.
Còn theo ông Phan Xuân Hùng, Tổ OCOP Văn phòng Điều phố Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa thì những sản phẩm để thẩm định cấp chứng nhận lại đều dựa trên cơ sở hồ sơ cũ, chủ thể chỉ cần nộp báo cáo sự phát triển của sản phẩm sau các năm, và các giấy chứng nhận sản phẩm theo định kỳ. Tuy nhiên, hiện nay các chủ thể sản phẩm OCOP đều chưa nắm rõ việc duy trì đánh giá chỉ tiêu cảm quan sản phẩm 6 tháng/ lần và đánh giá chất lượng về an toàn thực phẩm thì 1 năm/ lần, dẫn đến họ gặp khó khăn khi sản phẩm công nhận lại.
Đối với những sản phẩm nâng sao, theo quy định mới cần có chứng nhận về sở hữu nhãn hàng nên thủ tục hồ sơ cần phải chờ bên Cục Sở hữu trí tuệ cấp để bổ sung chờ thẩm định.
Ngoài ra, đa số các chủ thể đều là những nông dân, trình độ hiểu biết thấp, nên nhiều hồ sơ thiếu, cần bổ sung họ không được thông báo cụ thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc nâng sao cho các sản phẩm. Mong các cấp có những phương án làm nhanh gọn hồ sơ để các chủ thể yên tâm phát triển sản phẩm. Ngoài ra, lãnh đạo địa phương cũng cần phải sao sát với các chủ thể, hướng dẫn họ về thủ tục, hồ sơ, duy trì sản phẩm”. Ông Hùng chia sẻ thêm.
Để nâng hạng hay gia hạn cho sản phẩm OCOP, bên cạnh sự chủ động, linh hoạt, mạnh dạn đầu tư, đổi mới quy trình sản xuất của các chủ thể, cần sự vào cuộc của Nhà nước trong việc ban hành thêm cơ chế, chính sách để trợ lực, đồng hành góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP.
Quyết định số 148/QĐ-TTg nêu rõ, các sản phẩm OCOP sau khi hết hiệu lực, các chủ thể có thể đăng ký sản phẩm để được đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm thường xuyên, liên tục (theo kế hoạch và chu trình OCOP của địa phương), chậm nhất là 30 ngày trước ngày hết hạn. Bên cạnh đó, Quyết định cũng nêu rõ thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận, nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP khi đủ điều kiện theo quy định.