Thanh niên Hưng Yên ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thanh niên Hưng Yên ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội. Đây là chủ đề của Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với thanh niên, tổ chức ngày 22/3.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên biểu dương các thanh niên tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN
Tại buổi đối thoại, các cán bộ Đoàn, đoàn viên thẳng thắn trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông nghiệp; cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; giải pháp hướng nghiệp cho học sinh, cơ chế liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút dự án công nghiệp công nghệ cao...
Lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành giải đáp cụ thể những nội dung trên, qua đó cung cấp thông tin bổ ích cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên.
Theo Bí thư Tỉnh đoàn Vũ Hồng Luyến, ngày 14/5/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1134/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Hỗ trợ thanh niên Hưng Yên sáng tạo, khởi nghiệp giai đoạn 2018-2022, trong đó giao nhiệm vụ cho Tỉnh đoàn và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.
Qua 5 năm triển khai, đến nay, tỉnh thành lập được văn phòng hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tổ tư vấn, hỗ trợ thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp và câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp, thu hút trên 8,9 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên, sinh viên tham gia; 12 mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên được hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, cây, con giống, vật tư nông nghiệp, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng...
Trao đổi về phát triển thương hiệu sản phẩm và xây dựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho biết, sau 5 năm triển khai chương trình OCOP, nhiều địa phương, cơ sở trên địa bàn đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển ngành nghề nông thôn. Tỉnh tập trung đầu tư, phát triển đa dạng sản phẩm, chế biến, chế biến sâu sản phẩm truyền thống, hình thành nhiều sản phẩm OCOP như nhãn lồng, hạt sen long nhãn, gà Đông Tảo, nghệ Chí Tân… Đây là những đặc sản riêng có của mảnh đất Hưng Yên. Đến nay, tỉnh có 252 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 206 sản phẩm hạng 3 sao, 46 sản phẩm hạng 4 sao.
Để nâng cao chất lượng, từng bước nâng tầm thương hiệu các sản phẩm OCOP Hưng Yên, theo ông Nguyễn Văn Tráng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chú trọng sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, hình thành sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng và an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.
Hưng Yên tăng cường nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng yêu cầu, các sở, ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến, kiến nghị chính đáng của thanh niên, hoàn thiện nội dung trả lời và đăng tải trên trang thông tin của đơn vị mình; nghiên cứu, đề xuất với tỉnh giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ thanh niên làm tốt hơn nữa việc ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tiếp tục rà soát nhiệm vụ được phân công tại chương trình, kế hoạch của tỉnh về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tổ chức thực hiện.
Lãnh đạo các sở, ngành, UBND các địa phương phối hợp Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp tiếp tục tổ chức hội nghị đối thoại với thanh niên tại địa phương, đơn vị. Các cấp bộ Đoàn tích cực động viên, khích lệ đoàn viên, thanh niên lập thân, lập nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, chủ động nghiên cứu, lựa chọn chương trình, dự án phù hợp từng nhóm đối tượng thanh niên để triển khai thực hiện; tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt để thanh niên học tập, ứng dụng làm giàu cho bản thân, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Dịp này, UBND tỉnh biểu dương 14 tập thể, 7 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.