Thế mạnh các tỉnh, thành nhìn từ sản phẩm OCOP ở Hội Báo
64 gian hàng trưng bày hàng trăm đặc sản địa phương đạt chuẩn OCOP, một số đã được xuất khẩu đi các nước, có mặt tại Hội Báo toàn quốc chờ đến với người tiêu dùng TP.HCM.
Nhiều đặc sản chất lượng 3-5 sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ khắp cả nước được trưng bày tại Hội Báo toàn quốc năm 2024 như khoai deo Quảng Bình, sâm Ngọc Linh Kon Tum, bánh tráng khoai mì Tây Ninh, nước mắm sá sùng Quảng Ninh…
Cây sâm được trồng “xanh” trên đỉnh núi Ngọc Linh hoàn toàn bằng mùn đất tự nhiên tại núi, không sử dụng phân bón. Ảnh: QUANG HUY
Sau khi tham gia nhiều chương trình quảng bá sản phẩm, thông tin trên các phương tiện báo đài thì trà chùm ngây đã trở nên thân quen với người tiêu dùng. Ảnh: QUANG HUY
OCOP từ xu hướng sản xuất “xanh”
Không nằm ngoài xu thế chung, sản phẩm OCOP dần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Điển hình là thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, một trong hai đơn vị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, cũng được nhiều người tiêu dùng quan tâm tại Hội Báo toàn quốc năm 2024.
Bà Nguyễn Hoàng Kim My, quản lý chuỗi cửa hàng bán lẻ của sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, cho biết công ty có 99.000 cây sâm được cấp sử dụng chỉ dẫn địa lý được trồng ở đỉnh núi Ngọc Linh ở phần địa phận tỉnh Kon Tum với diện tích gần 7.000 ha. Sâm chỉ được khai thác khi trồng đủ trên 10 năm.
“Cây sâm được trồng hoàn toàn “xanh” trên đỉnh núi Ngọc Linh bằng mùn đất tự nhiên tại núi, không sử dụng phân bón, con người chỉ chăm sóc là tránh các loài động vật như chuột núi ăn. Khi trồng lẫn khai thác cũng chỉ dùng tay, không dùng đến các dụng cụ cuốc, xẻng…” - bà My giới thiệu. Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng trên núi Ngọc Linh thì hằng năm công ty cũng tặng cây sâm giống cho bà con tự trồng để thu lợi.
Sau khi được tham gia vào nhiều chương trình quảng bá sản phẩm, thông tin trên các phương tiện báo đài, các sản phẩm OCOP đã trở nên thân quen với người tiêu dùng.
Sinh ra ở Quảng Ninh, vào lập nghiệp tại TP.HCM cũng gần 30 năm, ông Tiến Dũng (quận 11, TP.HCM) vui mừng khi ghé thăm gian hàng “quê hương” tại Hội Báo toàn quốc và mua những đặc sản chính gốc về tặng người thân.
Ông Dũng “khoe” sá sùng là loại hải sản quý giá chỉ có ở vùng biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Thời điểm thu hoạch chỉ diễn ra khi mực nước biển xuống thấp, vào khoảng tháng 3 đến tháng 7 hằng năm. Sá sùng có giá trị dinh dưỡng cao khi chứa đến hàng chục loại acid amin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Giá loại sá sùng khô rất đắt đỏ, khoảng 7-8 triệu đồng/kg.
Bà Cao Hồng Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Newstar, cho biết sản phẩm nước mắm sá sùng Vân Đồn của thương hiệu Vanbest đạt chuẩn sản xuất theo phương pháp truyền thống là đánh đảo, phơi nắng, lên hương tự nhiên, nguyên liệu chủ yếu từ cá cơm tươi, cá thu, tép moi và sá sùng… trộn với muối biển, ủ lên men hoàn toàn tự nhiên 1-3 năm trở lên.
Sau khi ủ chượp, một tỉ lệ sá sùng được rang, nghiền nhỏ, đem ngâm với nước mắm rồi qua quy trình lọc thô và lọc tinh. Nhờ đó mắm sá sùng thơm ngon và có độ đạm khác biệt so với những loại nước mắm cá biển thông thường.
“Thách thức lớn nhất là nguyên liệu vì nguồn hải sản này chủ yếu khai thác tự nhiên, thu mua từ bà con đánh bắt thủ công. Vì vậy, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, tránh khai thác tận diệt, công ty chỉ thu mua những con sá sùng có kích thước lớn, không thu mua những con nhỏ hoặc con đang trong kỳ sinh sản. Doanh nghiệp kết hợp với cơ quan quản lý thả giống sá sùng ra tự nhiên hằng năm” - bà Vân chia sẻ.
Báo chí hỗ trợ doanh nghiệp kết nối người tiêu dùng
Ông Phạm Ngọc Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Vườn Nhà Mình, cho hay sản phẩm trà chùm ngây của công ty cũng đã được nhiều người tiêu dùng biết đến khi được công nhận đạt chuẩn OCOP. Lúc đầu, sản phẩm bán khá chậm nhưng sau khi đạt chứng nhận OCOP, được tham gia vào nhiều chương trình quảng bá sản phẩm, thông tin trên các phương tiện báo đài thì trà chùm ngây đã trở nên thân quen với người tiêu dùng.
“Hội Báo toàn quốc là cơ hội để công ty giới thiệu các sản phẩm OCOP tới đông đảo người tiêu dùng hơn. Qua đó, doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan báo chí thông tin nhiều hơn nữa để người tiêu dùng hiểu rõ về những nông sản đạt chứng nhận OCOP và từ đó góp phần giữ gìn, phát triển những đặc sản của địa phương lâu dài” - ông Tuấn chia sẻ.
Chinh phục các thị trường Hàn, Nhật
Người tiêu dùng và PV các cơ quan báo chí tại Hội Báo toàn quốc năm 2024 không khỏi ngạc nhiên khi những sản phẩm rất đỗi bình dân như bánh tráng khoai mì, bánh tráng trộn, muối tôm… đến từ tỉnh Tây Ninh đang “cháy hàng” tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Từ một công ty làm bột mì, ông Đặng Khánh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên, nhận ra tiềm năng thị trường xuất khẩu rất lớn của đặc sản bánh tráng và muối tôm.
Ông Duy quyết định đầu tư công nghệ, máy móc làm các sản phẩm bánh tráng không nhúng nước, bánh tráng trộn hay các sản phẩm muối tôm, muối tỏi… đạt chuẩn xuất khẩu sang những thị trường cực kỳ khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc).
“Khoai mì là nông sản thế mạnh của Tây Ninh nên tôi tạo ra các sản phẩm bánh tráng hoàn toàn 100% từ bột khoai mì, không có bất kỳ phụ gia thực phẩm bảo quản nào. Đặc biệt, khi sản phẩm đạt các chứng nhận ISO, FSSC, OCOP 4 sao, 5 sao, được khách nước ngoài biết đến, họ bắt đầu tới tìm hiểu và đặt hàng” - ông Duy chia sẻ.
Nắm bắt cơ hội, không chỉ tập trung đầu tư nâng cấp máy móc, chọn lọc nguyên liệu chất lượng, mà còn nhắm đến các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để chinh phục thị trường trong nước và thế giới.
Hiện bánh tráng khoai mì không nhúng nước, bánh tráng trộn thương hiệu của công ty đã đến tận tay người tiêu dùng Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt mới đây đặc sản muối tôm Tây Ninh đã được xuất sang Canada.
Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển kinh tế địa phương
Hưởng ứng chương trình phát động của Chính phủ là mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều cơ quan báo chí đã đồng hành cùng với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, TP đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao.
Với sự tham gia của 64 gian hàng sản phẩm OCOP của 50 tỉnh, TP tại Hội Báo cho thấy vai trò, sự đồng hành của báo chí với doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế địa phương.
Thu hút nhiều khách tham quan tìm hiểu tại gian hàng của TP.HCM là các sản phẩm tốt cho sức khỏe như trà, tinh dầu cây chùm ngây đạt OCOP 4 sao.
Ông Phạm Ngọc Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Vườn Nhà Mình, cho biết hiện sản phẩm của công ty không chỉ bán trong nước mà đang rất đắt hàng tại các thị trường như Hàn Quốc, Úc. Ngoài trà từ lá chùm ngây được ưa thích thì trái non cây chùm ngây cũng được khách Hàn Quốc đặt mua liên tục vì chế biến món xào rất ngon, tốt cho sức khỏe.
Hiện vùng nguyên liệu gần 20 ha trồng cây chùm ngây ở Long An được công ty vừa tự trồng vừa liên kết với 15 hộ nông dân tại địa phương sản xuất theo phương pháp hữu cơ, an toàn sinh học. Công ty sẽ thu mua lá, hạt, trái của bà con nông dân.
“Đặc biệt, bà con nông dân trồng cây chùm ngây rất khỏe vì gần như không tốn chi phí gì nhiều. Thu nhập từ việc trồng cây chùm ngây gấp 3-4 lần so với trồng lúa” - ông Tuấn tiết lộ.
Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam, cho biết việc thực hiện các gian hàng OCOP xuất phát từ chủ trương của Chính phủ: Phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực như nguồn lao động, văn hóa địa phương, trí tuệ, sự sáng tạo... của địa phương. Từ đó cải thiện đời sống của người dân, xây dựng nông thôn mới thông qua các sản phẩm mang tính thương hiệu đặc trưng của từng địa phương, vùng miền.
Theo ông Dũng, các sản phẩm OCOP xuất phát từ những làng nghề, ngành nghề truyền thống, góp phần tạo nên sức mạnh nội lực cho nền kinh tế Việt Nam. Đây là một hình thức xúc tiến thương mại cho hàng hóa Việt Nam, ủng hộ người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.•