Thêm nhiều sản phẩm OCOP từ làng nghề

Chia sẻ:

 

Hà Nội hiện có 2.711 sản phẩm OCOP, trong đó 745 sản phẩm được sản xuất từ các làng nghề; nhiều sản phẩm đạt OCOP 5 sao, 4 sao từ các làng nghề nổi tiếng như gốm sứ Bát Tràng; mây tre đan Phú Vinh; dệt lụa Vạn Phúc; khảm trai Chuyên Mỹ; sơn mài Hạ Thái; dệt tơ sen Phùng Xá, trà sen Tây Hồ... Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Nhiều sản phẩm làng nghề đạt chứng nhận OCOP 4 - 5 sao

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề (chiếm 56% tổng số làng nghề trong cả nước), hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống. Trong số này, đã có 334 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống thuộc 25 quận, huyện, thị xã được UBND thành phố công nhận (269 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 60 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống, 5 nghề được công nhận Nghề Truyền thống với 6/7 nhóm nghề.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Đình Hoa, các làng nghề ngày càng khẳng định được vị thế khi đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn. Trong tổng số 2.711 sản phẩm OCOP của Thủ đô, các sản phẩm từ làng nghề chiếm 27,48% với 745 sản phẩm; nhiều sản phẩm đạt OCOP 5 sao, 4 sao từ các làng nghề nổi tiếng, như: gốm sứ Bát Tràng; mây tre đan Phú Vinh; dệt lụa Vạn Phúc; khảm trai Chuyên Mỹ; sơn mài Hạ Thái; dệt tơ sen Phùng Xá, trà sen Tây Hồ... Ngoài đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp, sản phẩm OCOP làng nghề Hà Nội còn được đánh giá là chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường.

img-1200-9743-2342.jpeg

Nhiều sản phẩm làng nghề đạt chuẩn OCOP 4, 5 sao. Ảnh: Khánh Duy

Từ thực tế trên, việc bảo tồn, phát triển làng nghề đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn Hà Nội, đặc biệt ở các địa phương có làng nghề. Thống kê cho thấy, tổng doanh thu hàng năm của 334 làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm. Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, một số làng nghề có doanh thu/năm cao, như: làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng; bánh kẹo dệt kim La Phù; chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai; cơ khí nông cụ Phùng Xá; đồ mộc - may Hữu Bằng; truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng; gốm sứ Bát Tràng…

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Phạm Huy Khôi cho biết: toàn xã có hơn 100 nghệ nhân, gần 200 doanh nghiệp và khoảng 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Các cơ sở đã và đang giải quyết việc làm, bảo đảm ổn định đời sống cho lao động địa phương cùng 4.000 - 5.000 lao động ở nơi khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng mang đậm nét truyền thống và bản sắc văn hóa Việt. Từ nhiều năm nay, các nghệ nhân, người làm nghề gốm sứ ở Bát Tràng tập trung chuyển đổi, nghiên cứu, sản xuất đa dạng sản phẩm gốm sứ.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, các chủ thể sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng tích cực đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Điển hình là sản phẩm OCOP 4 sao “bình sứ hút lộc” của Công ty TNHH Tiến Thanh. Bình hút lộc được nghệ nhân gốm sứ tạo nên với thiết kế miệng bình rộng, phần thân bình phình to để hút được nhiều tài lộc; phần cổ bình tròn, thon nhỏ, nhằm lưu giữ lại tài lộc cho gia chủ… Sản phẩm được làm từ chất liệu đất sét cao cấp, màu sắc, họa tiết phong phú, phủ các loại men lam cổ, men rạn cổ, vẽ sơn mài, đắp nổi hoặc dát vàng, vẽ vàng cao cấp...

Hay như tại Công ty TNHH gốm sứ Mai Linh, nhận thấy tiềm năng rất lớn của sản phẩm cốc đựng cà phê cappuccino (có quai cầm, có khả năng giữ nhiệt), nghệ nhân Phạm Thanh Mai - Giám đốc Công ty đã khéo léo kết hợp giữa phương pháp thủ công sản xuất gốm tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật để cho ra thị trường sản phẩm mang sắc thái, đặc trưng riêng. Đạt chứng nhận OCOP 4, sản phẩm ly sứ cappuccino Mai Linh không chỉ góp phần làm mới diện mạo gốm truyền thống, mà còn giúp khách hàng cảm nhận được chất lượng ngày càng cao, khẳng định thương hiệu, chỗ đứng của gốm Việt Nam trên thị trường.

Hiện, toàn xã Bát Tràng có hơn 50 sản phẩm gốm sứ đạt OCOP từ 3 đến 5 sao. Cùng với chiếm lĩnh phần lớn thị trường tiêu thụ trong nước, gốm Bát Tràng còn được xuất khẩu tới nhiều quốc gia khu vực châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Nhiều sản phẩm gốm sứ điển hình của Bát Tràng như bộ đồ ăn, bình đựng trà, bình hoa, bình hút lộc… đã được chọn làm quà tặng hội nghị, ngày lễ lớn, dịp kỷ niệm trọng đại của địa phương.

Không chỉ khẳng định thương hiệu bởi chất lượng sản phẩm, làng nghề gốm Bát Tràng còn được đông đảo khách du lịch tìm đến bởi sức hấp dẫn từ những giá trị văn hóa lâu đời, sự sáng tạo của những nghệ nhân và mong muốn được trải nghiệm làm thử một vài công đoạn sản xuất sản phẩm trong không gian đặc trưng của làng quê đồng bằng Bắc bộ. Chủ tịch UBND xã Phạm Huy Khôi chia sẻ: hàng năm, Bát Tràng đón khoảng 10 vạn lượt khách đến tham quan, mua sắm, trong đó nhiều đoàn là khách quốc tế. Giá trị sản xuất gốm sứ và thương mại trên địa bàn xã hiện đã đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân toàn xã lên hơn 90 triệu đồng/người/năm. Trong năm 2024, Bát Tràng phấn đấu có 10 sản phẩm tham gia và đạt chứng nhận OCOP.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm OCOP làng nghề

Có thể khẳng định, làng nghề tại Hà Nội có dư địa để phát triển Chương trình OCOP. Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, luỹ kế từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm. Trong đó, có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.

Những năm qua, thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách, quan tâm hỗ trợ các làng nghề phát triển, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm. Trong đó, nhờ tham gia Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đã được hoàn thiện với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có chứng nhận, tạo niềm tin trên thị trường.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, thời gian qua, Chương trình OCOP đã giúp làng nghề tập trung hơn vào đổi mới sáng tạo, hình thức mẫu mã… để sản phẩm làng nghề vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa, hồn cốt của quê hương đất nước, đồng thời có bước cải tiến phù hợp xu thế hiện đại, hội nhập, khẳng định vị thế sản phẩm làng nghề Hà Nội trên thị trường cả nước và quốc tế. Chương trình OCOP góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề, tạo động lực cho các thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề cho thế hệ sau; giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa, lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Nguyễn Văn Chí cho biết, sản phẩm làng nghề đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như: sản phẩm may mặc, gốm sứ, dệt và thêu ren truyền thống, đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ các làng nghề về công tác đào tạo theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, truyền nghề, chú trọng nghề truyền thống, cổ truyền, hợp tác quốc tế trong thiết kế mẫu mã sản phẩm, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu… để phát triển sản phẩm OCOP nhiều hơn, chất lượng nâng cao hơn nữa.