Thương mại điện tử nâng tầm sản phẩm OCOP Thái Nguyên

Chia sẻ:

Sản phẩm OCOP Thái Nguyên đã được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn nhờ hiện diện trên các sàn thương mại điện tử.

 

Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Hiện tỉnh Thái Nguyên có 240 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao. Trong đó, có 149 sản phẩm 3 sao, 89 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia.

Bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống như trưng bày, tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng, siêu thị và nhà phân phối, các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên đã và đang từng bước ứng dụng chuyển đổi số, chủ động đưa sản phẩm của mình giới thiệu, bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc thông qua các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).

 

Thương mại điện tử giúp xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên ngày càng mạnh mẽ. Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên

Thương mại điện tử giúp xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên ngày càng mạnh mẽ. Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên

Việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng và sản phẩm OCOP nói chung trên các sàn thương mại điện tử giúp xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên ngày càng mạnh mẽ.

Công ty TNHH Sản xuất và Phát triển thương mại Nguyên Việt (ở xã Minh Đức, TP. Phổ Yên) là đơn vị chuyên sản xuất tinh bột từ các loại rau như: Cải bó xôi, diếp cá, cần tây, cải xoăn, bột trà xanh matcha… Trước đây, các sản phẩm của công ty đến tay người tiêu dùng bằng kênh bán hàng truyền thống.

Hiện nay, công ty cũng đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá về sản phẩm OCOP và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Do vậy, sản phẩm của công ty không chỉ được tiêu thụ trên toàn quốc, mà đã xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực.

"Nhận thức được lợi ích từ chuyển đổi số, chúng tôi đã dành nguồn lực nhất định đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, số hóa quy trình hoạt động để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, công ty đã đầu tư kinh phí xây dựng website quảng bá sản phẩm. Đồng thời, thành lập riêng bộ phận truyền thông, bán hàng online qua các kênh Facebook, TikTok và trên các sàn thương mại điện tử khác", ông Bùi Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Phát triển thương mại Nguyên Việt cho hay.

Các nhà sáng tạo nội dung tham quan vườn chè của Hợp tác xã chè Hảo Đạt. Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên

Các nhà sáng tạo nội dung tham quan vườn chè của Hợp tác xã chè Hảo Đạt. Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên

Tương tự, đối với Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên), nhờ có sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, hợp tác xã đã tiếp cận và tích cực sử dụng các công cụ, ứng dụng số trong sản xuất, kinh doanh. Hợp tác xã đã đầu tư kinh phí, nhân sự để xây dựng nội dung quảng bá, liên kết tiêu thụ, thanh toán qua các ứng dụng, tiện ích trên nền tảng số.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt cho biết, bình quân mỗi năm, hợp tác xã chế biến được 1.500 tấn chè búp tươi, cung cấp ra thị trường từ 250 - 350 tấn chè búp khô an toàn, chất lượng cao, với các dòng sản phẩm chính như: Chè Đinh, chè Tôm nõn, chè Móc câu, chè Bát Tiên,… Tất cả các sản phẩm đều được dán mã QR để quản lý chất lượng sản phẩm chè.

Theo bà Hảo, giao dịch bán hàng trên Facebook, Zalo, Shopee, Lazada,…vừa giúp hợp tác xã quảng bá được sản phẩm, vừa giúp mang sản phẩm đến tay người dùng được dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian và chi phí.

"Việc buôn bán hàng qua các sàn thương mại điện tử đã giúp sản phẩm của hợp tác xã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Khách hàng cũng dành nhiều lời khen cho sản phẩm vì thông tin rõ ràng, minh bạch về nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc", bà Hảo chia sẻ.

Phát huy hiệu quả công nghệ số trong xúc tiến thương mại

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh quảng bá sản phẩm, thời gian qua Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã duy trì việc hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương lên các sàn thương mại điện tử.

Sàn thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn đã được triển khai vận hành từ năm 2010. Đến nay, đã có 240 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia với trên 2.600 sản phẩm được cập nhật.

Các sản phẩm OCOP đã có mặt trên sàn thương mại điện tử của tỉnh

Các sản phẩm OCOP đã có mặt trên sàn thương mại điện tử của tỉnh

Ngành Công Thương cũng phối hợp với các đơn vị đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart.vn, Voso.vn) 72 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh và có 128 sản phẩm được gắn nhãn thương hiệu OCOP trên sàn, qua đó đã có trên 1.500 giao dịch tại 2 sàn.

Đồng thời hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các sàn như: Lazada.vn; Tiki.vn; Sendo.vn. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng cho chủ thể OCOP livestream, quảng bá tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số (Facebook, TikTok...).

Đặc biệt, phong trào livestream bán hàng nông sản đạt hiệu quả và ngày càng được nhân rộng. Tại lễ hội "Võ Nhai mùa na chín - Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên" vào tháng 8/2023, lần đầu tiên tổ chức phiên chợ livestream giới thiệu nông sản Thái Nguyên.

Hoạt động đã thu hút đông đảo người dân địa phương, du khách, nhiều nhóm Tiktoker, streamer và đại diện một số hợp tác xã trong tỉnh tham gia livestream trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo thống kê, sau 4 giờ livestream các chủ thể na đã bán 1.650 đơn, trong đó bán trực tuyến 6,3 tấn na và bán trực tiếp 2,5 tấn cho khách tham quan; ngoài ra đã bán 500 đơn cho các sản phẩm khác như: Trà, miến, bánh chưng, măng, kẹo lạc...

Chương trình livestream phiên chợ sản phẩm na Võ Nhai và nông sản Thái Nguyên. Ảnh: Quang Huy

Chương trình livestream phiên chợ sản phẩm na Võ Nhai và nông sản Thái Nguyên. Ảnh: Quang Huy

Ông Nguyễn Công Dũng, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, chia sẻ: "Trong năm 2023, chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn về các giải pháp livestream và bán hàng trên Tiktok shop cho trên 100 lượt chủ thể sản phẩm OCOP. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng tải, vận hành gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, Postmart, Shopee… để quảng bá sản phẩm".

Về phía ngành Công Thương, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho biết, Sở sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình triển lãm, kết nối cung - cầu tại các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước.

"Bên cạnh đó, Sở sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và tham gia hệ sinh thái xúc tiến thương mại số giúp các đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển, khẳng định thương hiệu, vị thế trên thị trường trong và ngoài nước…", ông Hoàng nhấn mạnh.