Tích cực chuyển đổi số,đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Chia sẻ:

Thời gian qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp, các chủ thể sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, đã đạt được những kết quả tích cực.

 

Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP bưởi của xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên qua điện thoại thông minh

Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP bưởi của xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên qua điện thoại thông minh

Hiệu quả rõ rệt

Bà Tăng Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Hiếu Hằng (xã An Long, huyện Phú Giáo), cho biết năm 2021, sau khi sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, công ty đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, cụ thể là đưa sản phẩm tổ yến lên sàn thương mại điện tử Postmart, Lazada, Shopee, Tiki; quảng bá qua các trang mạng xã hội. Nhờ đó, sản phẩm của công ty được nhiều khách hàng biết đến, việc tiêu thụ thuận lợi hơn; giảm chi phí vận chuyển, chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên bán hàng… Hiện nay, mỗi tháng công ty thu khoảng 15kg yến thô. Với giá dao động từ 20-22 triệu đồng/kg, mỗi năm công ty có doanh thu từ tổ yến thô khoảng 3 tỷ đồng. Công ty còn giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động, với mức lương trung bình khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, cùng các chế độ phúc lợi xã hội khác.

Các sản phẩm trà Atiso+, trà thảo mộc túi lọc Atiso+, trà nấm linh chi của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ -Sản xuất CVC (phường TânĐịnh, TP.Bến Cát) cũng đượccông nhận OCOP 3 sao. Côngty tích cực ứng dụng côngnghệ thông tin, chuyển đôỉsố vào khâu quảng bá, tiêuthụ sản phẩm. Ông Trầm VănHuệ, Giám đốc công ty, cho biết để mở rộng thị trường, công ty phát triển kênh kinh doanh online qua các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, tiếp cận rộng rãi người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ngoài 2 chủ thể sản phẩm OCOP nói trên, nhiều chủ thể trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trong đó, phổ biến nhất là các chủ thể chủ động tìm tòi, xây dựng các kênh trên mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử…

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngay sau khi triển khai Chương trình OCOP sở đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện chương trình đạt hiệu quả; trong đó có lồng ghép việc áp dụng chuyển đổi số trong các khâu từ sản xuất đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức được 19 hội nghị với 949 lượt người tham gia, 38 lớp đào tạo, tập huấn với 1.796 lượt người tham gia, nội dung liên quan đến xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khâu tiêu thụ sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, chi cục đã hỗ trợ 34 tài khoản phần mềm quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc bằng mã QR (FaceFarm) cho 34 chủ thể sử dụng 1 năm. Đồng thời, chi cục triển khai ứng dụng phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP tỉnh Bình Dương cho các đơn vị liên quan tham gia vào quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đồng bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương) thường xuyên cập nhật sản phẩm và thông tin các chủ thể lên sàn thương mại điện tử tỉnh (binhduongtrade.vn). Đến nay, chi cục đã cập nhật 153 sản phẩm của 84 chủ thể được chứng nhận OCOP đạt 3 sao, 4 sao; trong đó có cập nhật hình ảnh sản phẩm, thông tin chủ thể, giới thiệu, hỗ trợ chủ thể đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử.

Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh từ 15-20%. Kết quả này tạo bước đệm quan trọng để các chủ thể sản phẩm OCOP áp dụng chuyển đổi số trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, hầu hết các chủ thể sản phẩm OCOP đã thực hiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử. Hiện toàn tỉnh có hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử; có 17.000 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp đăng ký tài khoản để mua - bán trên các sàn.