Tìm 'chìa khóa' thu hút thành viên vào HTX

Chia sẻ:

Các HTX đang có vai trò quan trọng góp phần đưa ngành nông nghiệp Việt Nam dần thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Việc thu hút nông dân, hộ cá thể tham gia tích cực vào HTX không chỉ giúp mô hình HTX nâng được cả chất và lượng mà còn tiếp sức cho nền nông nghiệp lớn mạnh.

Trên thực tế, nhiều nông dân khởi nghiệp hoặc tham gia HTX đã trở thành triệu phú, tỷ phú hoặc đơn giản là thoát được nghèo. Như tại HTX nông nghiệp Đạ M'ri (Lâm Đồng) đang có 123 thành viên, nhờ đầu tư sản xuất trên quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu mà năm 2023, mỗi thành viên HTX có nguồn thu ít nhất là 1,1 tỷ đồng từ sản xuất sầu riêng theo hướng hàng hóa.

Vẫn khó giữ chân thành viên

Từ những đóng góp của các HTX như HTX Đạ M'ri có thể khẳng định kinh tế tập thể, HTX đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng kinh tế tập thể, HTX đang đóng góp tích cực vào phát triển ngành nông nghiệp. Minh chứng rõ nhất là chất lượng, số lượng nông sản hàng hóa của Việt Nam thời gian qua đã được nâng lên, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu của nhiều thị trường quốc tế. Thông qua HTX, doanh nghiệp cũng có những cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và cạnh tranh trên thị trường. Nhiều HTX cũng đã xây dựng được những vùng nguyên liệu đạt chất lượng, với những nông sản có thương hiệu trên thị trường.

Tuy nhiên, đó là những HTX có quy mô lớn cả về thành viên và năng lực sản xuất. Đến nay, vẫn còn nhiều HTX có quy mô nhỏ cả về thành viên, dịch vụ, diện tích sản xuất nên đang gặp những khó khăn nhất định trong việc nâng cao hiệu quả và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa.

Tại HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Hợp Nhất (Đăk Lăk), sau 17 năm hoạt động và chuyển đổi, số lượng thành viên của HTX không những không tăng mà giảm dần từ 30 đến nay còn 8 thành viên. Chính vì vậy, nhiều kế hoạch sản xuất, nâng diện tích, mở rộng dịch vụ, đầu tư máy móc của HTX bị "dậm chân tại chỗ".

Điều này cho thấy, vẫn có những HTX không chỉ khó khăn trong thu hút thành viên mới mà còn khó "giữ chân" thành viên cũ. Nguyên nhân có thể do HTX bị tác động từ thị trường (dịch bệnh, suy thoái kinh tế...), có thể do HTX chưa minh bạch trong quá trình hoạt động, nhưng cũng có thể do người dân chưa hiểu rõ về bản chất của mô hình kinh tế tập thể, HTX.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước có hơn 19.000 HTX nông nghiệp thì bình quân mỗi HTX nông nghiệp mới chỉ có 176 thành viên. HTX nông nghiệp mới chỉ thu hút được khoảng 31% tổng số hộ nông lâm thủy sản cả nước (9,10 triệu hộ). Chỉ có số hộ liên kết với HTX nông nghiệp là tăng. Cụ thể là đến năm 2023, tổng số lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp vào khoảng 550 nghìn người (tăng 143 nghìn người so với năm 2013).

Tuy nhiên, nếu người dân chỉ liên kết với HTX thì hình thức hợp tác này được đánh giá là chưa thực sự ổn định và bền vững. Các thành viên liên kết không được thụ hưởng quyền lợi như thành viên chính thức.

 

Thu hút nhiều thành viên giúp HTX thuận lợi trong sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Thu hút nhiều thành viên giúp HTX thuận lợi trong sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Trong sản xuất, không phải HTX nào có quy mô thành viên nhỏ cũng hoạt động không hiệu quả. Nhưng xét về bản chất HTX và giá trị kinh tế, khi HTX đứng ra làm các dịch vụ hỗ trợ thành viên, nếu HTX có hàng trăm thành viên thì chắc chắn giá các loại dịch vụ của HTX sẽ mềm hơn, thành viên sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Chẳng hạn như HTX chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp để cung cấp cám thức ăn chăn nuôi cho thành viên. Nếu HTX có số lượng thành viên lớn, có nhu cầu nguồn cám nhiều, chắc chắn doanh nghiệp sẽ có chính sách hỗ trợ, đưa ra mức giá hợp lý hơn so với những HTX có số lượng thành viên nhỏ với nhu cầu mua thức ăn chăn nuôi ít.

Trong mối liên kết với HTX, các doanh nghiệp phân phối, chế biến cũng luôn mong muốn có nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, quy mô lớn và phát triển ổn định. Chính vì vậy, những HTX có số lượng thành viên lớn luôn là lợi thế trong liên kết với doanh nghiệp.

Đảm bảo công bằng, minh bạch

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, để phát triển các HTX hiệu quả, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... luôn chú trọng mở rộng quy mô thành viên. Bởi như vậy, các HTX sẽ rất thuận lợi trong việc mở rộng và đa dạng các dịch vụ, huy động vốn, mở rộng diện tích, quản lý cũng như đáp ứng các nhu cầu sản xuất quy mô lớn.

Do đó, các nước này đã tiếp hành sáp nhập những HTX cũ hoặc hình thành những HTX mới trên quy mô toàn tỉnh, toàn huyện. Như Nhật Bản, sau quá trình sáp nhập và phát triển, cả nước hiện nay chỉ có khoảng 600 HTX. Điều này được đánh giá là giúp Nhật Bản dễ dàng trong việc xây dựng thương hiệu cho nông sản đặc trưng, từ đó tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và nâng cao được thu nhập cho người dân.

Hiện nay, một số tỉnh thành ở Việt Nam cũng đang thực hiện hợp nhất, sáp nhập các HTX quy mô nhỏ để hình thành những HTX quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, điều này còn hạn chế vì thực chất lãnh đạo ở nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm đến mô hình HTX nên chưa tìm được hướng mở rộng và "giữ chân" thành viên phù hợp cho các HTX.

TS Ninh Đức Hùng, chuyên gia phát triển HTX cho rằng muốn thu hút và "giữ chân" các thành viên, HTX cần kết hợp giữa các yếu tố kinh doanh và xã hội. HTX phải biết chia sẻ giữa các lợi ích của thành viên với lợi nhuận của HTX.

Muốn vậy, HTX phải tạo ra được một môi trường làm việc tích cực, được tôn trọng, được cống hiến, ghi nhận. Điều này có thể thông qua việc HTX tổ chức các sự kiện, các buổi đào tạo phát triển năng lực, từ đó thế mạnh của mỗi thành viên được bộc lộ, tạo cho họ cơ hội để đóng góp, tham gia vào công việc tập thể của HTX.

Bên cạnh đó, HTX cần chia sẻ lợi ích một cách công bằng. Để làm được điều này, lãnh đạo HTX phải đảm bảo các thành viên được công bằng từ trong việc phân công công việc, chia sẻ lợi ích, lợi tức kinh doanh của HTX. Vấn đề này có thể đảm bảo được thông qua việc thiết lập cơ chế phân chia lợi nhuận và đưa ra các quyết định một cách công bằng, minh bạch. Nội dung này cũng được thể hiện trong điều lệ HTX.

Đặc biệt, vào HTX là để nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống nên HTX cần đảm bảo công bằng và minh bạch, công khai. Ở đây, lãnh đạo HTX cần bảo đảm mọi hoạt động của HTX được tiến hành một các minh bạch, cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết về quản lý tài chính, phân phối lợi nhuận cũng như tạo ra cơ hội cho thành viên đưa ra ý kiến của mình trong các cuộc họp, đại hội thành viên của HTX.

“Vào HTX, thành viên được tham gia các lớp đào tạo, phát triển kỹ năng, các buổi dã ngoại, tham quan... từ đó tạo cơ hội cho phát triển sự nghiệp và nâng cao năng lực cá nhân. Đó cũng là điều thúc đẩy người dân tham gia và gắn bó với HTX lâu dài”, TS Ninh Đức Hùng cho biết.

Đáng chú ý, những điểm mới trong Luật HTX 2023 được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho các HTX trong việc thu hút thành viên, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX mở rộng quy mô sản xuất.

PGS TS Chu Tiến Quang, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn và quản lý đào tạo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết điểm mới của Luật HTX 2023 là đã hình thành quỹ và tài sản không chia, tạo thuận lợi cho HTX trong thế chấp ngân hàng để vay vốn. Đây là khó khăn trong thời gian dài mà các HTX đang gặp phải.

Đi liền với đó, HTX cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hoạt động giao dịch nội bộ. Từ đây, hoạt động cung ứng sản phẩm cho thành viên HTX sẽ phát triển, tạo niềm tin cho thành viên và người dân.