Trà Vinh có 291 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP

Chia sẻ:

Chiều ngày 05/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trà Vinh tổ chức công bố quyết định và trao giấy chứng sản phẩm OCOP tỉnh Trà Vinh năm 2023.

Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể.

Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể.

Tham dự có đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh; Phạm Thanh Tiếng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cùng các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP.

Có 10 sản phẩm tái công nhận và công nhận mới; trong đó, 04 sản phẩm tái công nhận: bánh tét Ngót, bánh tét Ba Màu, dừa sáp Hòa Tân, dừa sáp Bảo Châu; 06 sản phẩm mới: bánh tét Ngũ Phúc, mật hoa dừa tươi Organic Sokfarm, bánh Vicosap dừa sáp và khoai lang, bánh Vicosap dừa sáp và bí đỏ, bánh Vicosap dừa sáp và chuối, nước khoáng thiên nhiên Sao Biển - STARFIWA) đạt OCOP 4 sao của 05 chủ thể (03 công ty; 01 hợp tác xã; 01 hộ kinh doanh) ở các huyện: Cầu Kè, Cầu Ngang, Tiểu Cần và thị xã Duyên Hải.

Nâng tổng số toàn tỉnh đến nay có 291 sản phẩm, trong đó: 03 sản phẩm đạt 5 sao, chiếm tỷ lệ 1,03%; 07 sản phẩm tiềm năng 5 sao, chiếm tỷ lệ 2,41% (đang chờ Trung ương công nhận); 42 sản phẩm 4 sao, chiếm tỷ lệ 14,4% và 239 sản phẩm đạt 3 sao, chiếm tỷ lệ 82,1%, của tổng số 197 chủ thể (25 công ty; 06 doanh nghiệp; 30 hợp tác xã; 03 tổ hợp tác và 133 hộ kinh doanh).

Đồng chí Lê Văn Đông trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao Dừa sáp Hòa Tân cho đại diện Hợp tác xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè.

Đồng chí Lê Văn Đông trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao Dừa sáp Hòa Tân cho đại diện Hợp tác xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè.

Đồng chí Lê Văn Đông cho biết: đây là những sản phẩm tiêu biểu, có chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chí đánh giá khắt khe của chương trình OCOP.

Để tiếp tục phát triển chương trình OCOP trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tập trung thực hiện một số giải pháp, như: tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ thể về chương trình OCOP. Hỗ trợ các chủ thể trong việc xây dựng, phát triển và quảng bá sản phẩm OCOP. Tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ thuật, kiến thức về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP.