Triển khai Chương trình OCOP tại Tánh Linh: Hướng tới phát triển kinh tế khu vực nông thôn

Chia sẻ:

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt Chương trình OCOP) được triển khai trên địa bàn Tánh Linh với mục đích hướng tới thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Đồng thời nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân cũng như thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí 'Kinh tế và tổ chức sản xuất' trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP vừa được UBND huyện Tánh Linh ban hành cuối tháng 5 vừa qua, năm nay địa phương phấn đấu có thêm từ 15 - 19 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên. Cùng với đó sẽ kiểm tra, hỗ trợ, tư vấn đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã hết hiệu lực công nhận và nâng hạng các sản phẩm OCOP có tiềm năng (trong đó có từ 2 - 6 sản phẩm OCOP đủ điều kiện tham gia chấm điểm 4 sao cấp tỉnh). Đưa tỷ lệ chủ thể OCOP là hợp tác xã lên 15% cũng như củng cố, giữ vững tỷ lệ chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có 1 tổ chức kinh tế sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP gắn với chuỗi giá trị. Tiếp nữa là phối hợp tổ chức cho chủ thể và cán bộ quản lý tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình nổi bật trong triển khai Chương trình OCOP như: Du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, quảng bá xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…

 

Sản phẩm Gạo Đức Lan - Tánh Linh. (Ảnh minh họa)

Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì địa phương tập trung chọn ý tưởng sản phẩm và hướng dẫn tham gia chương trình, đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc hoặc mang nét đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của huyện miền núi Tánh Linh. Với những sản phẩm OCOP đề nghị nâng hạng sao sẽ củng cố, nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi giá trị, phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại... nhằm chọn lựa sản phẩm tiềm năng để hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, nâng hạng.

Sắp tới đây, địa phương cũng tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất. Hay như đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa cho các sản phẩm đạt sao OCOP, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa… Năm nay, huyện Tánh Linh còn tính đến giải pháp về phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, lồng ghép chính sách hỗ trợ, xúc tiến thương mại và kiểm tra, giám sát, quản lý sản phẩm trong thực hiện Chương trình OCOP. Trong đó tập trung xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá thương hiệu, tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu sản phẩm OCOP…

Được biết thời gian qua đã có nhiều sản phẩm đặc trưng của Tánh Linh được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh và huyện, có thể kể đến: Gạo Đức Lan, chả cá thát lát, thịt thỏ sấy gác bếp, tinh bột nghệ Đông Đan, các sản phẩm từ ớt… Mới đây địa phương tiếp tục tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Tánh Linh (đợt 1) năm 2024 cho một số sản phẩm như gạo ST 25, yến sào tinh chế, sầu riêng của một tổ hợp tác trên địa bàn huyện. Với việc triển khai Chương trình OCOP, chính quyền địa phương cũng yêu cầu cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã - thị trấn trên địa bàn huyện xác định đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong phát triển kinh tế, trọng tâm là khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện Chương trình OCOP năm 2024, huyện miền núi Tánh Linh còn tính đến phối hợp tổ chức cho chủ thể tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP và hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, vào được hệ thống bán lẻ như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Postmart, Co.opmart, Big C, Lotte Mart…