Ứng dụng công nghệ số vào quy trình truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Chia sẻ:

Ứng dụng công nghệ số vào hoạt động truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn khi hội nhập, xuất khẩu.

Ông Lê Anh Hưng, Tổng giám đốc Công ty TNHH STI Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học và đổi mới sáng tạo (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), đã có những trao đổi về nội dung trên.

Muốn số hóa, cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc

Ông Lê Anh Hưng, Tổng giám đốc Công ty TNHH STI Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học và đổi mới sáng tạo.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

* Thưa ông, truy xuất nguồn gốc giúp cho các doanh nghiệp địa phương có thể phát triển sản phẩm như thế nào trong bối cảnh hội nhập, công nghệ phát triển như hiện nay?

- Hiện nay các nước, các bên đều có quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa riêng. Việt Nam cũng có nhiều quy định liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Điều này xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, họ cũng muốn biết về sự minh bạch của nguồn gốc sản phẩm hàng hóa mà họ đang sử dụng. Do đó, đây là xu hướng chung của toàn thế giới.

hính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt Đề án Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên cả nước. Trong quyết định này cũng xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia. Đặc biệt trong năm 2023, có ban hành thêm thông tư về hoạt động liên quan đến quản lý truy xuất nguồn gốc. Qua đó, có thể thấy rằng các văn bản quy phạm pháp luật nhà nước liên quan đến truy xuất nguồn gốc ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu thực tế trong quá trình triển khai.

Hơn thế nữa, hiện nay, nhiều địa phương, đơn vị đã xây dựng các module (thành phần) về hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1968/QĐ-TTg năm 2021 liên quan đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030.

Cốt lõi của quyết định này là xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Trong hệ sinh thái này có nhiều module, nhiều ứng dụng công nghệ, các ứng dụng liên quan đến nghiệp vụ về xúc tiến thương mại, trong đó có trụ cột cốt lõi liên quan đến hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ được tích hợp vào hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Qua đó, có thể thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa, góp phần giúp việc triển khai, quản lý tốt hơn.

* Các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt chủ thể OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đang gặp những khó khăn, thách thức nào trong quá trình triển khai truy xuất nguồn gốc nói chung và đưa các thông tin về truy xuất nguồn gốc lên hệ thống điện tử nói riêng?

- Theo kinh nghiệm thực tế của tôi, hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn chưa hiểu đúng về hoạt động truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nên khi áp dụng thực tế còn loay hoay. Việc truy xuất nguồn gốc mọi người hay nhầm là chúng ta đang sống trong thời đại 4.0 nên phải ứng dụng điện tử bằng tem truy xuất nguồn gốc, các hệ thống quét mã QR... Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động truy xuất nguồn gốc, nó chỉ là công cụ. Còn bản chất để thực hiện truy xuất nguồn gốc là các doanh nghiệp phải xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc ở tại doanh nghiệp, tức là hệ thống thông tin để đáp ứng yêu cầu của các thông tư và các quyết định của Nhà nước liên quan đến hoạt động truy xuất nguồn gốc. Và phải làm sao hệ thống này có thể liên kết thông tin để có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Sau đó, doanh nghiệp mới bắt đầu tiến hành phần ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động số hóa các hồ sơ liên quan đến truy xuất nguồn gốc đó và “định danh” thành dữ liệu truy xuất hàng hóa.

Do đó, đối với các doanh nghiệp địa phương, việc đầu tiên là cần nghiên cứu hệ thống triển khai quá trình sản xuất kinh doanh để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với đặc thù kinh doanh của chính doanh nghiệp. Sau khi xây dựng được hệ thống đó, bước tiếp theo là tin học hóa hay còn gọi là ứng dụng công nghệ thông tin vào số hóa quy trình truy xuất nguồn gốc và đưa thông tin lên hệ thống điện tử. Các hệ thống truy xuất nguồn gốc mà doanh nghiệp cần xây dựng sẽ tuân theo các quy định của Nhà nước hoặc cũng có thể sử dụng tiêu chuẩn quốc tế mà địa phương đang áp dụng.

Tất cả hệ thống tiêu chuẩn theo ISO hoặc tương tự vậy đã có hệ thống truy xuất nguồn gốc rồi, bây giờ cần doanh nghiệp cần làm sâu sắc hơn, tức là số hóa các quy trình đó để đưa các thông tin truy xuất lên hệ thống điện tử.

Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp

* Trong quá trình vận dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng như số hóa, vấn đề kinh phí đối với nhiều doanh nghiệp cũng là một rào cản lớn. Vậy có thể giải quyết rào cản này như thế nào, thưa ông?

- Thông thường khi nói về chuyển đổi số, người ta thường hay nghĩ đến vấn đề công nghệ, kinh phí. Vì để đầu tư, thay đổi, áp dụng công nghệ nào đó thường sẽ nghĩ là nhiều doanh nghiệp hạn chế kinh phí, dẫn đến khó triển khai. Tuy nhiên, nhiều công nghệ hiện nay có giá cạnh tranh. Hơn nữa, doanh nghiệp cần lựa chọn được giải pháp công nghệ nào phù hợp nhất với hoạt động và đặc thù sản phẩm của mình, đáp ứng yêu cầu các bên liên quan.

Đặc biệt hiện nay, Nhà nước có rất nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho hoạt động này. Trong đó, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Nền tảng đã có sẵn rồi, việc còn lại của các doanh nghiệp là tiếp cận để khai thác. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có sự quan tâm, tìm hiểu hơn về các chương trình hỗ trợ liên quan để có thể tận dụng nền tảng đó trong quá trình triển khai các hoạt động, chứ không cần phải cái gì cũng đầu tư từ đầu.

Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ảnh: H.Quân

Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ảnh: H.Quân

* Theo ông, các địa phương cần hỗ trợ gì để các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể triển khai hiệu quả việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng công nghệ số?

- Đầu tiên địa phương phải đánh giá thực trạng để xác định được các sản phẩm nào là sản phẩm đặc thù, sản phẩm nào là sản phẩm ưu tiên phải thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc. Trong đó, có thể nói OCOP là sản phẩm ưu tiên.

Sau đó, cần thiết kế các chương trình để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp từ việc nâng cao nhận thức thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn; hỗ trợ về công nghệ, hỗ trợ về tư vấn trực tiếp tại doanh nghiệp; hỗ trợ một phần ứng dụng công nghệ trong hoạt động truy xuất nguồn gốc nói riêng và trong các hoạt động xúc tiến thương mại nói chung. Qua đó, doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn và mong muốn áp dụng, lập kế hoạch thì dần dần quá trình này mới có thể triển khai vào trong thực tiễn, thúc đẩy các hoạt động này phát triển tốt hơn.

* Xin cảm ơn ông!