Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nông sản: Kiểm soát chất lượng, minh bạch thông tin

Chia sẻ:

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn ra thị trường.

Qua đó, không chỉ nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng, mà còn minh bạch thông tin sản phẩm với người tiêu dùng.

nong-san.jpg

Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần thương mại và chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm (quận Thanh Xuân). Ảnh: Trà Giang

Quản lý, giám sát nguồn gốc sản phẩm

Là đơn vị sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà thông tin, hợp tác xã có khoảng 10.000m2 trồng rau mầm theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ trong đăng ký QRcode tích hợp với thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, như: Quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói..., qua đó tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Tương tự, theo Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm (quận Thanh Xuân) Đinh Thị Hải Yến, hiện mỗi tháng công ty cung cấp hơn 30 tấn thực phẩm chế biến sẵn cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và trên các nền tảng thương mại điện tử. Minh bạch thông tin sản phẩm với người tiêu dùng, công ty đã đưa công nghệ thông tin vào quản lý chất lượng thực phẩm, từ quy trình sản xuất đến sơ chế, chế biến thực phẩm. Người tiêu dùng hoàn toàn kiểm tra được ngày sản xuất và hạn sử dụng; các nguyên liệu có trong sản phẩm.

Đánh giá về chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng nông sản, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội (https://check.hanoi.gov.vn). Hiện tại, hệ thống đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho 3.430 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản với 13.353 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

“Việc ứng dụng hệ thống thông tin trong quản lý chuỗi nông sản an toàn đã giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang nền nông nghiệp hiện đại. Ngoài ra, nhờ ứng dụng thương mại điện tử qua các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Zalo, TikTok…, đã giúp người sản xuất kết nối trực tiếp với người tiêu dùng”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay.

Hướng dẫn, đào tạo kiến thức, kỹ năng số

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, hợp tác xã phần lớn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số. Nguyên nhân là do chưa có cơ sở dữ liệu lớn phục vụ sản xuất, thiếu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và thiếu kết nối chia sẻ thông tin của các giai đoạn: Sản xuất, quản lý, logistics, thương mại... Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chuỗi quản lý chất lượng nông sản an toàn đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi đó, nguồn lực của doanh nghiệp, hợp tác xã hạn chế nên đầu tư còn chắp vá, chưa đồng bộ…

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho rằng, các ngành chức năng cần tiếp tục hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số cho nông dân; đăng ký tài khoản kinh doanh, tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất. Mặt khác, hướng dẫn người sản xuất thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận trong quá trình mua bán trên các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.

Liên quan đến vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp viễn thông tổ chức tập huấn, hướng dẫn và đào tạo kiến thức, kỹ năng cho hợp tác xã, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ số của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn thông qua các hoạt động xã hội hóa. Mặt khác, chi cục tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, người dân tham gia đầu tư vào các dự án ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, qua đó từng bước kiểm soát chất lượng nông sản trên thị trường.

Ở góc độ địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh chia sẻ, huyện đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; đồng thời thực hiện quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi. Huyện cũng hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, như: Rau, thủy sản, sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)…