Ứng dụng công nghệ vào mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu

Chia sẻ:

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu ở Bắc Giang đã được người dân ứng dụng công nghệ tiên tiến để có thể đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng nhất.

Ngày 7.7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đến thăm mô hình sản xuất sâm nam núi Dành của Hợp tác xã (HTX) Đức Hạnh, xã Liên Chung và mô hình sản xuất măng tre lục trúc của HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu, xã Cao Xá (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm mô hình sản xuất sâm nam núi Dành của HTX Đức Hạnh, xã Liên Chung - Ảnh: UBND tỉnh Bắc Giang

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm mô hình sản xuất sâm nam núi Dành của HTX Đức Hạnh, xã Liên Chung - Ảnh: UBND tỉnh Bắc Giang

Ông Trần Văn Khiển - Giám đốc HTX cho biết, việc sản xuất, chế biến sâm nam núi Dành tại HTX được canh tác theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 4ha sản xuất sâm nam núi Dành theo hướng hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Sâm nam được trồng tại HTX từ năm 2022, tỷ lệ cây giống sống, sinh trưởng phát triển đạt hơn 90%; vụ hoa cho thu hoạch vào tháng 9 - 10 hằng năm. Sau 2 năm, kiểm tra gốc sâm đã có củ to hơn ngón tay, dài 30cm, màu vàng, có mùi thơm đặc trưng. Năm 2023, HTX thu hoạch khoảng 2 tấn hoa sâm tươi.

Gian hàng trưng bày sản phẩm sâm nam núi Dành của HTX Đức Hạnh, xã Liên Chung

Gian hàng trưng bày sản phẩm sâm nam núi Dành của HTX Đức Hạnh, xã Liên Chung

Bên cạnh việc bán các sản phẩm từ sâm nam núi Dành như: Hoa sâm tươi và sấy khô, củ sâm tươi và sấy khô, rượu sâm, cây rễ lá sấy khô, trà sâm, sâm mật ong... HTX còn mở rộng theo hướng kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm mùa hoa sâm (tháng 8 - 9) với mùa Lễ hội đền Dành (tháng giêng).

Ông Trần Văn Khiển đề xuất chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ HTX nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; triển khai kết nối để phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm...

Với mô hình sản xuất măng tre lục trúc của HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu, hiện HTX có 20 trang trại trồng măng lục trúc với tổng diện tích cho thu khoảng 80ha và 40ha trồng mới. Năm 2023, sản lượng măng tươi thành phẩm đạt 250 tấn, măng khô 750kg, măng ngâm ớt 1.800 hộp...

Bà Dương Thị Luyện - Giám đốc HTX cho biết măng lục trúc dễ trồng, dễ chăm sóc lại luôn được mùa, được giá, khi trồng gần 1 năm là được thu hoạch, trung bình mỗi gốc cho từ 10 - 15kg măng; tổng doanh thu đạt khoảng 15 tỉ đồng/năm, lợi nhuận HTX thu về khoảng 1 tỉ đồng.

Đến nay, HTX đã triển khai cho hơn 40 hộ trồng tre lục trúc lấy măng, số hộ trồng tre lục trúc luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước. Hiện HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 60 lao động với mức lương bình quân 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Bà Dương Thị Luyện cho biết thêm, sản phẩm măng lục trúc tươi Lâm Sinh Ngọc Châu đã được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2021. Năm 2024, HTX định hướng sản xuất măng tre lục trúc theo hướng hữu cơ, tiếp tục đổi mới đưa sản phẩm phát triển phù hợp với xu thế thị trường.

Trong thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng liên doanh, liên kết thêm với các hộ nông dân có đủ điều kiện trồng măng lục trúc theo tiêu chuẩn để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài, hình thành vùng nguyên liệu có chất lượng cao, phục vụ sản xuất của HTX cũng như nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Sau khi trao đổi với các chủ thể HTX và chính quyền địa phương về tình hình sản xuất của các mô hình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao tâm huyết của các chủ HTX trong việc đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất các sản phẩm nông sản.

Bộ trưởng cho rằng việc triển khai mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ hiện đại gắn với phát triển tiềm năng thế mạnh của địa phương là rất cần thiết, từ đó tiếp tục nhân rộng để triển khai và để người dân thấy được hiệu quả của canh tác theo hướng hữu cơ.

Bộ trưởng cũng lưu ý, việc sản xuất không chạy theo số lượng bởi người tiêu dùng hiện nay chuộng giá trị hơn số lượng nên bên cạnh việc triển khai nhận rộng các mô hình, địa phương cần chú ý đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Chính quyền địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nông dân nâng cao nhận thức, không chỉ dừng ở việc phát triển sản xuất nông nghiệp mà phải là phát triển kinh tế nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; triển khai đồng bộ các giải pháp quảng bá sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, liên kết đưa vào hệ thống phân phối của siêu thị; tiếp tục phát triển mô hình kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.