Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại Hoằng Hóa
Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ đang là xu hướng tất yếu. Nhằm bắt kịp xu thế này, huyện Hoằng Hóa đã tích cực ứng dụng KH&CN vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp; từng bước thay đổi cơ cấu sản xuất, góp phần tăng năng suất và nâng cao giá trị kinh tế các sản phẩm, tạo động lực thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.
Khảo sát thực tế tại khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại xã Hoằng Ngọc.
Những năm gần đây sản xuất nông nghiệp ở huyện Hoằng Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, theo xu hướng ứng dụng KH&CN để tăng tỷ lệ các giống chất lượng cao, đặc sản, giống chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất thuận, giảm vật tư đầu vào, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Từ đó, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, một số sản phẩm đã và đang trở thành hàng hóa chủ lực như: Vùng sản xuất rau an toàn gắn với chế biến và tiêu thụ; vùng trồng khoai tây quy mô lớn theo hình thức liên kết, bao tiêu sản phẩm; vùng trồng dưa vàng kim hoàng hậu, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất tập trung dưa hấu, dưa lê...
Bên cạnh đó, huyện đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao nhiều công nghệ tiên tiến như: Mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Hoằng Phú; mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh - lúa theo hướng hữu cơ tại xã Hoằng Lưu; mô hình nuôi luân canh cá - lúa tại xã Hoằng Đông quy mô 5ha; mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Hoằng Châu quy mô 5ha bằng giống ST25; mô hình nông nghiệp đa giá trị tại xã Hoằng Đức quy mô 0,47ha; thử nghiệm giống lúa mới QR15 tại xã Hoằng Xuyên quy mô 1ha, giống TBR39 tại xã Hoằng Đông, Hoằng Ngọc quy mô 1ha; mô hình gieo sạ bằng máy tại xã Hoằng Đức quy mô 1,5ha...
Ngoài ra, một số sản phẩm OCOP được bảo hộ sở hữu trí tuệ đã phát huy được lợi thế và mang lại thương hiệu, giá trị kinh tế cao như nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Khúc Phụ”, “Mắm tôm Lê Gia” được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia đầu tiên và duy nhất của tỉnh Thanh Hóa. Qua đó thấy rằng với sự quan tâm và đầu tư của các cấp chính quyền, cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhà khoa học và người dân, KH&CN đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoằng Hóa.
Đặc biệt, một số nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp nhà nước, nông thôn miền núi triển khai trên địa bàn huyện đã có nhiều kết quả nổi bật trong thực tiễn và đóng góp nhiều cho địa phương, cụ thể như các Đề tài: “Ứng dụng khoa học - công nghệ xây dựng mô hình ương giống và nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus Zuiew) không bùn theo hướng VietGAP góp phần phát triển nghề nuôi lươn bền vững tại Thanh Hóa” được triển khai mô hình tại xã Hoằng Đại; “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất tinh trâu cọng rạ phục vụ công tác cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn trâu tại tỉnh Thanh Hóa” được triển khai tại xã Hoằng Quỳ. Đề tài này không chỉ góp phần cải thiện chất lượng và hiệu quả chăn nuôi trâu tại Thanh Hóa, còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Việc sử dụng công nghệ sản xuất tinh trâu cọng rạ giúp cải thiện tầm vóc và chất lượng di truyền của đàn trâu; tạo ra những con trâu khỏe mạnh, năng suất cao hơn, có khả năng làm việc và sinh sản tốt hơn. Việc nâng cao tầm vóc đàn trâu thông qua công nghệ mới giúp tăng năng suất chăn nuôi, cải thiện sản lượng thịt và sữa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và thị trường. Đồng thời tiết kiệm chi phí mua giống mới từ bên ngoài, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh do vận chuyển trâu giống, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và nguồn lực tại chỗ...
Cùng với đó, huyện Hoằng Hóa còn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, hàng loạt mô hình trong trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGAP đã được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện. Điển hình như mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học tại xã Hoằng Thắng, Hoằng Phong, Hoằng Quỳ... Những mô hình này, đã góp phần khôi phục lại chăn nuôi nông hộ, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Để nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện Hoằng Hóa cũng đã ban hành một số cơ chế hỗ trợ sản phẩm OCOP, hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất... Vì vậy, hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn huyện đang phát huy hiệu quả, có khả năng nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa.
Xác định ứng dụng KH&CN trong sản xuất và đời sống là một trong những động lực trọng tâm để phát triển, gắn với XDNTM, huyện đang tiếp tục kêu gọi liên kết xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, bao tiêu sản phẩm, phát triển bền vững. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, ứng dụng KH&CN, tạo đột phá về năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị hàng hóa, thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân, qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.