Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sản phẩm Halal
Với dân số hơn 2 tỷ người, thị trường các nước Hồi giáo đang được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt với các nước có nhiều lợi thế về xuất khẩu nông sản, thủy sản như Việt Nam. Mặc dù vậy, để đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt chứng nhận Halal vẫn đang là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp Việt.
Trần Đức Quyền, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nguyễn Hồng cho chia sẻ về sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt chứng nhận Halal. |
Những cơ hội và thách thức
Thị trường các nước Hồi giáo hiện bao trùm hơn 2 tỷ người và dự kiến sẽ tăng lên 2,8 tỷ người vào năm 2030, chiếm 30% dân số thế giới. Theo đó, ngành công nghiệp Halal (cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn cho người Hồi giáo) có quy mô lớn và tiềm năng tăng trưởng cao. Tổng giá trị trao đổi thương mại sản phẩm Halal toàn cầu lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi năm, tập trung vào các lĩnh vực chính như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, du lịch, truyền thông và giải trí.
Trong khi đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Halal toàn cầu. Chúng ta đang có thế mạnh về xuất khẩu nông, thủy sản với tiêu chuẩn cao; cơ cấu hàng xuất nhập khẩu của nước ta mang tính bổ sung đối với thị trường các nước Hồi giáo; có điều kiện tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...
Chia sẻ nhận thức tiêu chuẩn Halal với các doanh nghiệp Việt. |
Nhằm tiếp cận và khai thác thị trường này, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và nhiều địa phương trong cả nước đã và đang đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về chính sách thương mại, văn hóa, tập quán tiêu dùng của thị trường Hồi giáo đến doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận, tham gia hiệu quả thị trường tiềm năng này.
Để các doanh nghiệp Việt hiểu rõ hơn về những quy định về cấp chứng nhận Halal, ngày 24/8, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Halal Việt Nam đã tổ chức chương trình đào tạo “Nhận thức tiêu chuẩn Halal” cho các doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm, muốn tìm hiểu sâu về thị trường này.
Việc đào tạo tiêu chuẩn Halal là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp tuân thủ quy định tôn giáo và pháp luật, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và tăng cường danh tiếng. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Hồi giáo, việc hiểu và thực hiện đúng các tiêu chuẩn Halal trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tham gia chương trình tập huấn bà Lâm Khánh Hằng, Giám đốc kinh doanh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn dinh dưỡng Hadalifa cho biết: “Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dinh dưỡng doanh nghiệp chúng tôi cũng rất quan tâm đến thị trường Halal. Mặc dù vậy, trước đây chúng tôi cũng chưa tiếp cận được những thông tin đầy đủ, chính thống về những quy định, quy chuẩn của sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn thị trường Halal. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tìm hiểu sâu, kỹ hơn mở rộng kiến thức về thị trường này”.
Chứng nhận Halal, biểu tượng của sự cam kết với chất lượng sản phẩm
Chia sẻ tại buổi đào tạo, ông Abbas, Chủ tịch Halal Việt Nam cho rằng: Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội, nơi việc tuân thủ các tiêu chuẩn Halal không chỉ là trách nhiệm tôn trọng các giá trị tôn giáo mà còn là cơ hội để mở rộng thị trường và phát triển kinh doanh bền vững.
Ông Abbas, Chủ tịch Halal Việt Nam cho rằng: Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội, nơi việc tuân thủ các tiêu chuẩn Halal không chỉ là trách nhiệm tôn trọng các giá trị tôn giáo mà còn là cơ hội để mở rộng thị trường... |
Theo ông Abbas, chứng nhận Halal không chỉ đơn thuần là một con dấu trên sản phẩm; nó là biểu tượng của sự cam kết với chất lượng và sự tôn trọng đối với nhu cầu của người tiêu dùng. Đối với chúng tôi, việc cấp chứng nhận Halal là một nhiệm vụ hết sức nghiêm túc và quan trọng. Đó không chỉ là việc xác minh các nguyên liệu và quy trình sản xuất mà còn là việc bảo đảm rằng toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ đều tuân thủ các quy định Halal một cách chặt chẽ.
“Trong thời gian qua, chúng tôi đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường Halal. Sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ Halal trên toàn thế giới không chỉ là một dấu hiệu rõ ràng cho sự phát triển của cộng đồng Hồi giáo mà còn là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp để mở rộng thị trường của mình. Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong số lượng các công ty, nhà sản xuất và nhà cung cấp tìm kiếm chứng nhận Halal để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và mở rộng khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường toàn cầu”, ông Abbas nhấn mạnh.
Ông Abbas cho rằng điều quan trọng là không chỉ tập trung vào việc cấp chứng nhận mà còn phải duy trì và nâng cao chất lượng của quy trình chứng nhận.
“Chúng tôi đang không ngừng nỗ lực để cải thiện quy trình kiểm tra, đào tạo đội ngũ kiểm soát viên và duy trì sự minh bạch trong tất cả các hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi hiểu rằng sự tin cậy của chứng nhận Halal phụ thuộc vào việc chúng tôi có thể bảo đảm rằng mọi sản phẩm và dịch vụ được chứng nhận đều thực sự đáp ứng các tiêu chuẩn Halal một cách nghiêm ngặt. Chúng tôi cũng nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc hợp tác với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng khác để thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn Halal một cách hiệu quả. Việc tạo ra một môi trường hợp tác và chia sẻ thông tin sẽ giúp chúng tôi đối mặt với những thách thức mới và duy trì sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp Halal”, ông Abbas chia sẻ.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Halal Việt Nam trao chứng nhận Halal cho công ty cổ phần tập đoàn T'or Global. |
Chủ tịch Halal Việt Nam khẳng định: Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc duy trì và nâng cao chất lượng chứng nhận Halal không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm chung của toàn ngành. Halal Việt Nam cam kết tiếp tục làm việc với tất cả các bên liên quan để bảo đảm các sản phẩm và dịch vụ Halal không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu.