VietGAP là gì và áp dụng thì có lợi ích gì?
Nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP giúp các cơ sở nuôi dễ dàng tiếp cận được các thị trường quốc tế và phát triển bền vững (Ảnh minh họa: Internet)
VietGAP trong nuôi trồng thủy sản là gì?
VietGAP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Vietnamese Good Aquaculture Practices” dịch sang tiếng Việt là “Thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt Việt Nam”.
VietGAP là Quy phạm thực hành áp dụng trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và góp phần thúc đẩy nuôi trồng thủy sản hướng tới sự phát triển bền vững.
VietGAP trong nuôi trồng thủy sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành lần đầu năm 2011 theo Quyết định số 1503/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/7/2011 và được sửa đổi, thay thế bằng Quyết định số 3824/QĐ-BNN-TCTS ngày 06/9/2014 ban hành về Quy phạm nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP (gọi tắt là Quyết định số 3824/QĐ-BNN-TCTS).
Áp dụng VietGAP thủy sản có lợi ích gì?
Áp dụng VietGAP mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia vào chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản, cụ thể như sau:
1. Đối với cơ sở nuôi:
- Giảm chi phí sản xuất do kiểm soát tốt vật tư đầu vào (sử dụng con giống, thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường đảm bảo chất lượng, theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ chuyên môn, đúng mục đích và giảm thiểu nhầm lẫn, lãng phí), giảm rủi ro về bệnh dịch, quản lý tốt chất thải để bảo vệ môi trường;
- Sản phẩm có chất lượng ổn định, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, xây dựng được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, truy xuất được nguồn gốc, dễ tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước;
- Tạo dựng được mối quan hệ tốt với người lao động và cộng đồng xung quanh.
2. Đối với người lao động:
- Được đảm bảo quyền lợi hợp pháp theo quy định của Luật lao động, được đối xử bình đẳng và làm việc trong môi trường an toàn, bảo đảm vệ sinh;
- Được nâng cao kỹ năng lao động thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật về VietGAP và áp dụng/ thực hiện các bước thực hành VietGAP vào điều kiện nuôi thực tế tại cơ sở cũng như ghi chép hồ sơ.
3. Đối với người tiêu dùng và xã hội:
- Có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và yêu cầu người sản xuất chịu trách nhiệm về sản phẩm đã sản xuất;
- Có thêm sự lựa chọn về sản phẩm an toàn và chất lượng tốt, từ đó giảm chi phí chăm sóc sức khỏe/y tế cho xã hội;
- Góp phần bảo vệ môi trường, ổn định trật tự xã hội và phát triển bền vững.
- Có nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm nên sản phẩm đầu ra được thị trường chấp nhận dễ dàng hơn;
- Giảm chi phí và thời gian cho việc kiểm tra mẫu thủy sản đầu vào;
- Giảm nguy cơ sản phẩm bị cấm nhập khẩu hoặc bị nước nhập khẩu kiểm tra 100% lô hàng bị phát hiện không đảm bảo an toàn thực phẩm.