Xây dựng sản phẩm OCOP góp phần phát triển nông nghiệp bền vững
Là huyện miền núi, thu nhập của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Yên Lập chủ yếu trông vào nông, lâm nghiệp. Để tạo nguồn sinh kế ổn định cho người dân, Yên Lập đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, nâng cao giá trị nông, lâm sản.
Xã Lương Sơn, huyện Yên Lập đầu tư mở rộng diện tích lúa nếp đặc sản Đìn Vằn hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong đó có Dự án 3 Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, huyện Yên Lập đã chủ động phân bổ các nguồn vốn cho các cơ quan chuyên môn, các xã vùng đặc biệt khó khăn để xây dựng các mô hình kinh tế, từ đó nhân rộng giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện nâng cao thu nhập.
Một trong những chương trình phát triển kinh tế nông lâm nghiệp bền vững đạt được hiệu quả cao ở Yên Lập là chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ khi bắt đầu thực hiện chương trình đến nay (năm 2021), Yên Lập đã xây dựng được 18 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 16 sản phẩm đạt hạng 3 sao của 13 chủ thể thuộc 10 xã trên địa bàn huyện. Với việc nông sản được công nhận sản phẩm OCOP, nhiều mặt hàng nông sản đã tăng được giá bán từ 10-25%. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm OCOP cũng đã giúp cho gần 120 lao động trên địa bàn huyện có nguồn thu nhập ổn định, bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH Phúc An House ở khu Đồng Thi, xã Đồng Lạc chia sẻ: "Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy hoa hồng và mật ong có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe trong khi Yên Lập là vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp đối với trồng hoa hồng và nuôi ong lấy mật. Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết tâm đầu tư vùng trồng hoa hồng nguyên liệu, xây dựng xưởng chế biến tinh chất và liên kết với các hộ, tổ hợp tác nuôi ong trong huyện để xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, Công ty đã có 3 sản phẩm được công nhận đạt hạng OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 4 sao là mật ong hoa hồng Phúc An; 2 sản phẩm còn lại là mật ong Phúc An và Trà hoa hồng Phúc An cũng được công nhận đạt hạng 3 sao. Bình quân, mỗi năm Công ty cung cấp ra thị trường khoảng 1,5 tấn trà và 1.500 lít mật ong, mang lại doanh thu khoảng gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty cũng tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với mức thu nhập bình quân đạt hơn 6,5 triệu đồng/người/tháng."
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đánh giá quy trình sản xuất sản phẩm mật ong Phúc An của Công ty TNHH Phúc An House
Trong năm 2024, Yên Lập dự kiến sẽ xây dựng thêm khoảng 17 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên, đưa tổng số sản phẩm OCOP của toàn huyện lên 35 sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm địa phương có lợi thế như gạo nếp Đìn Vằn, trà xanh, mật ong, dược liệu, tinh dầu quế, sản phẩm từ quế, bưởi, chăn nuôi...
Đồng chí Phan Thanh Phương - Trưởng phòng NN&PTNT cho biết: Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trọng tâm của Dự án 3 là phát triển nông lâm nghiệp bền vững nên Huyện ủy, UBND huyện xác định đầu tư xây dựng sản phẩm OCOP là một trong những nội dung quan trọng, tạo được sinh kế bền vững cho người dân. Vì thế, ngoài nguồn vốn của chương trình, huyện cũng chủ động lồng ghép nhiều nguồn vốn nhằm hỗ trợ cho các chủ thể có điều kiện tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm OCOP.
Bên cạnh sự hỗ trợ về nguồn vốn, để tạo điều kiện cho các chủ thể quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, huyện Yên Lập cũng phối hợp chặt chẽ với các ngành để tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, tham gia giới thiệu sản phẩm tại các lễ hội; xây dựng các điểm bán và giới thiệu sản phẩm...Đồng thời, khuyến khích các chủ thể tập trung đầu tư tiêu chuẩn hóa sản phẩm; đẩy mạnh liên kết từ xây dựng vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững, lâu dài.