Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng tốc những tháng cuối năm
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá cước vận tải tăng cao... song, bằng sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng cả về chất lượng và giá trị xuất khẩu (XK), góp phần đưa giá trị XK nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 168,716 triệu USD.
Sản xuất dứa đóng hộp xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống).
Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt (phường Long Anh, TP Thanh Hóa) là doanh nghiệp chuyên XK các loại quả đóng hộp, như: dứa gai, dưa bao tử, vải thiều... trong đó dứa gai là mặt hàng chủ lực. Sản phẩm của công ty hiện có mặt tại các nước EU, châu Á và một số nước như Nga, UAE, Anh, Kazakhstan, Uzbekistan... với số lượng lớn.
Để đảm bảo nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất và XK, công ty đã hợp đồng với người dân các địa phương: thị xã Bỉm Sơn, Hà Trung, Thạch Thành, Yên Định... thu mua từ 6.000 – 7.000 tấn dứa quả/năm. Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường XK nông sản đã có nhiều khởi sắc và đơn vị đã ký được nhiều đơn hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Mục tiêu của đơn vị đặt ra trong năm 2024, giá trị XK đạt 10 triệu USD, đến thời điểm 30/6/2024, giá trị XK đạt trên 4 triệu USD, vượt 20% so với cùng kỳ. Tuy giá trị XK chưa đạt như kỳ vọng nhưng đó là sự nỗ lực lớn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Để hoàn thành mục tiêu XK cả năm, doanh nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng cho các đối tác nước ngoài.
Nằm trong top đầu của các doanh nghiệp lớn, chuyên XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa (lô E, Khu công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa) với sản phẩm chính là ngao hấp chín xuất khẩu. Ông Lê Quý Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa, cho biết: Từ năm 2015, sản phẩm ngao hấp chín của công ty đã có mặt tại nhiều nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ, với các hợp đồng XK được duy trì và luôn có mức tăng trưởng khá đạt từ 15 - 20% mỗi năm. Tuy nhiên, từ tháng 2/2022 đến nay, do ảnh hưởng cuộc xung đột chính trị giữa Nga - Ukraine và căng thẳng chiến sự tại vùng Biển Đỏ đã đội giá cước vận tải tăng trên 4,5 lần so với trước. Tuy nhiên, để đảm bảo việc làm cho 300 công nhân, doanh nghiệp vẫn chấp nhận những đơn hàng đem lại lợi nhuận thấp, thậm chí không có lợi nhuận. Do đó, dù 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đã XK được gần 7.000 tấn ngao hấp, bằng 52% kế hoạch, tăng 101% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận chỉ đạt từ 1 - 2%. Dù vậy, công ty vẫn phải cố gắng khắc phục để duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và giữ thị trường tiêu thụ.
Chế biến ngao tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa (lô E, Khu công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa).
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương), cho biết: 6 tháng đầu năm 2024, XK nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 168,716 triệu USD, tăng 115,8% so cùng kỳ. Trong đó, nhiều mặt hàng có giá trị XK tăng cao so cùng kỳ như các mặt hàng cói, rau, quả đóng hộp, thịt súc sản, ngao hấp, dăm gỗ... Đạt được kết quả này trước hết là do các doanh nghiệp trong tỉnh đã từng bước khắc phục và điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận và mở rộng thị trường. Cùng với đó, ngay từ đầu năm, các sở, ngành địa phương và doanh nghiệp tham gia XK trong tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh XK như triển khai đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ XK bền vững, triển khai các chiến lược marketing, đào tạo và phát triển nhân lực, tín dụng phục vụ sản xuất hàng XK...
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã vận dụng và nắm bắt tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết như: Việt Nam - ASEAN, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Nhật Bản, Hiệp định CPTPP, Hiệp định Việt Nam - EU... để khai thác thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh và XK hàng hóa. Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia XK trên địa bàn tỉnh nói chung và doanh nghiệp XK nông lâm, thủy sản nói riêng hoàn thành kế hoạch XK năm của đơn vị mình, thời gian tới Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp khơi thông thị trường XK, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục thị trường cũ, tiếp cận và đa dạng hóa các thị trường mới. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về Hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường, đối tác cho các doanh nghiệp. Trước mắt, sẽ tổ chức hội nghị quảng bá sản phẩm OCOP tại Sầm Sơn có sự tham gia của doanh nghiệp XK các tỉnh phía Bắc. Tổ chức hội nghị này nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh đến với doanh nghiệp XK tỉnh ngoài, góp phần đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn ra thị trường thế giới.