Xuất khẩu nông sản: Linh hoạt thích ứng với những thay đổi của thị trường
Từ khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), việc xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt vào thị trường châu Âu và các nước Bắc Á, trở nên thuận lợi. Tuy nhiên, quy định nhập khẩu của các thị trường này cũng thường xuyên thay đổi, do đó, xuất khẩu nông sản cần có những giải pháp linh hoạt để thích ứng.
Số lượng cảnh báo từ EU tăng bất thường
TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, thông báo thay đổi và dự thảo các biện pháp vệ sinh động vật và thực vật, nói cách khác là các quy định về an toàn thực phẩm và về thú y và bảo vệ thực vật, của EU trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng gần 20%. Ngược lại, một số thị trường như Trung Quốc gần như không có thông báo nào.
Tại Hội nghị phổ biến các quy định vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS) trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2.8, ThS. Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết: các quy định SPS trong Hiệp định RCEP dựa trên 6 tiêu chí: tuân thủ quy định quốc tế, đánh giá rủi ro dựa trên khoa học, minh bạch, khuyến khích các phương pháp công nhận lẫn nhau, hợp tác và ứng dụng công nghệ trong chứng nhận.
Nguồn: ITN
Trong thị trường RCEP, số lượng sản phẩm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất, hiện là 12 sản phẩm; ngoài ra có dừa, chanh leo và ớt được xuất tạm thời. Kế tiếp là New Zealand có 5 sản phẩm. Mới đây nhất, Hàn Quốc chính thức cấp phép cho mặt hàng bưởi tươi của nước ta.
Hiện, thị trường Trung Quốc đang áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là các giao dịch hàng hóa theo hình thức tiểu ngạch. Ngoài ra, yêu cầu mới là khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói đối với các sản phẩm nông sản; một số mặt hàng nông sản cũng cần thực hiện đăng ký theo các lệnh 248 và 249.
Trong khi đó, thị trường EU đặc biệt quan tâm đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Đáng ngại là số lượng cảnh báo từ EU tăng bất thường. Việt Nam nhận 57 cảnh báo trong nửa đầu năm nay trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Việc EU tăng số lượng cảnh báo góp phần khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu, với tần suất thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%), sầu riêng (10%). Xu hướng này có thể tăng tiếp nếu không có giải pháp kịp thời.
Phân tích nguyên nhân số lượng cảnh báo tăng bất thường, TS. Ngô Xuân Nam cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức giới hạn dư lượng tối đa (MRL) với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau. Việc này đòi hỏi phải nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật. Bên cạnh đó, người sản xuất ở một số nơi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn. Ngoài ra còn do trách nhiệm kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt; hiện cũng chưa có quy định và chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.
Liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn, chất lượng
Theo các diễn giả tham dự hội nghị, doanh nghiệp xuất khẩu cần liên tục cập nhật thông tin về quy định của từng thị trường để bảo đảm sản phẩm nông, lâm, thủy sản đáp ứng được các yêu cầu đối tác đặt ra. Theo Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam Hoàng Thị Liên, bên cạnh việc theo dõi thông tin trên trang web của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến trang web của EU về SPS để cập nhật thông tin về mọi mặt hàng. Về những lô hàng bị cảnh báo trong ngành hàng gia vị, cần có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa cơ quan quản lý đầu mối, doanh nghiệp, Hiệp hội để xử lý.
TS. Ngô Xuân Nam cho biết, vừa qua, Thủ tướng phê duyệt Đề án nâng cao hiệu thực thi SPS. Cùng với các hoạt động triển khai đề án, ông Nam kêu gọi vùng trồng, vùng nuôi, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến, hiệp hội, ngành hàng, cơ quan quản lý và địa phương tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào.
"Chỉ khi nào từng khâu làm tròn trách nhiệm của mình, nông nghiệp Việt Nam mới thoát cảnh e dè trước những thay đổi của thị trường nhập khẩu", ông Nam nói. Đồng thời, khẳng định Văn phòng SPS Việt Nam cam kết hỗ trợ vấn đề thông tin về kiểm dịch, an toàn thực vật, giúp doanh nghiệp đáp ứng một cách tốt nhất các quy định trong các FTA thế hệ mới.