Xúc tiến thương mại ớt A Riêu - Đặc sản miền núi Quảng Nam
Ớt A Riêu là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Nam, được công nhận là nông sản hữu cơ hoàn toàn tự nhiên. Đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại ớt A Riêu góp phần nâng cao sinh kế và phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc miền núi theo hướng sản xuất hàng hóa và bảo tồn đa dạng sinh học |
Ớt A Riêu – đặc sản miền núi Quảng Nam
Ớt A Riêu là sản phẩm đặc trưng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện miền núi Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Từ lâu, ớt A Riêu là một trong những loại gia vị quan trọng trong các món ăn và trở thành một phần văn hóa của đồng bào Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn. Đây là sản vật có giá trị về mặt thương mại, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và mang lại thu nhập hiệu quả cao cho người dân. Theo UBND huyện Đông Giang, chi phí đầu tư 1 sào (500m2) ớt Ariêu tại xã Mà Cooih (huyện Đông Giang) trung bình 5,3 triệu đồng, năng suất ớt đạt 78 kg/500m2 với giá thị trường hiện nay trung bình 250.000-350.000 đồng/kg thì tổng thu nhập là 23.400.000 đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư thì lợi nhuận được 23,4 triệu đồng/500m2, cao hơn rất nhiều so với lúa rẫy (tổng thu nhập chưa trừ chi phí là 9 triệu/500m2 |
Trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Huyện Đông Giang giai đoạn 2021 – 2025, ớt A Riêu là một trong những loại cây trồng chủ lực được UBND huyện ưu tiên phát triển. Nhiều năm qua, nhằm bảo tồn, nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu đặc trưng giống Ớt A Riêu, hình thành vùng chuyên canh sản xuất ớt A Riêu theo hướng hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất, thu nhập cho người dân, huyện Đông Giang đã triển khai dự án bảo tồn và phát triển giống ớt A Riêu tại xã Mà Cooih theo quy hoạch giai đoạn 2022 – 2025 với diện tích trên địa bàn huyện đạt 50 ha. Đến nay, ớt A Riêu đã nhân giống được 12 ha với khoảng 100 hộ dân tham gia, với sản lượng ước tính trên địa bàn đạt 10,5 tấn/năm. |
Năm 2019, sản phẩm Ớt A Riêu muối đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và năm 2022 được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến lựa chọn sử dụng. “Ớt A Riêu được công nhận là nông sản hữu cơ hoàn toàn tự nhiên và gắn nhãn OCOP 4 sao cấp tỉnh, góp phần nâng cao sinh kế và phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc miền núi theo hướng sản xuất hàng hóa và bảo tồn đa dạng sinh học”, ông Đinh Văn Bảo, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay và thông tin thêm, hiện ớt A Riêu đã được Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận thương hiệu độc quyền. |
Thương mại hóa ớt A Riêu gắn với du lịch
Để phát huy giá trị của ớt A Riêu, huyện Đông Giang chú trọng khâu chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ ớt A Riêu, làm tăng giá trị gia tăng; cùng với đó, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá ớt A Riêu đến với người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Thảo, Cơ sở sản xuất rượu và nông lâm sản Thu Thảo (Thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết, đến nay cơ sở đã chế biến hơn 10 sản phẩm từ Ớt A Riêu, và đang được người tiêu dùng đón nhận tích cực vì hương vị ớt này rất đặc trưng, thơm và cay nồng. Các sản phẩm Ớt A Riêu có thể kể đến như ớt A Riêu muối, tương ớt A Riêu, muối ớt A Riêu, ớt bột A Riêu… và đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước như: Huế, Quảng Trị, TP.HCM, Hà Nội… và xa hơn là xuất khẩu đi các nước. Hiện nay, đầu ra của sản phẩm ớt A Riêu do HTX Nông Lâm nghiệp Mà Cooih là đơn vị làm đầu mối chính tiêu thụ và các tiểu thương thu mua bán tươi và ớt muối bán ở các cơ sở sản xuất kih doanh, chợ, các cửa hàng trên địa bàn huyện. Đơn giá sản phẩm từ 250.000 đồng - 350,000 đồng/kg ớt tươi cao hơn gấp nhiều lần so với các loại Ớt khác trên thị trường, tạo nguồn thu nhập cho người dân. Tuy nhiên diện tích trồng vẫn còn nhỏ lẽ, phân tán theo hộ gia đình, chuỗi phân phối sản phẩm ớt A Riêu vẫn còn khá đơn giản và sản phẩm Ớt A Riêu tiêu thụ chủ yếu là Ớt, ớt muối tươi nên còn đơn điệu, thiếu tính ổn định và chưa mang tính hàng hóa. |
Bà A Rất Thị Ý, thành viên của HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih cho biết nhà bà hiện trồng hơn 3.000 cây ớt A Riêu và muốn mở rộng diện tích trồng nhưng còn nhiều khó khăn. “Năng suất thì chưa ổn định mà đầu ra cũng còn bấp bênh”, bà A Rất Thị Ý nói. “Hiện nay người dân ở đây chưa trồng ớt A Riêu đại trà mà trồng theo mùa, vì vậy nguồn cung còn khá bấp bênh. Tôi hi vọng vấn đề này sẽ sớm được địa phương giải quyết trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Thảo đề xuất. Để giữ vững thương hiệu ớt A Riêu, huyện Đông Giang sẽ tiếp tục phát triển mở rộng diện tích trồng theo hướng sản xuất hàng hóa để thực sự đưa ớt A Riêu thành cây trồng chủ lực. “Trong thời gian tới UBND huyện tập trung nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ bà con nhân dân xã Mà Cooih, một số khu vực của xã Za Hung, xã Kà Dăng (giáp với xã Mà Cooih) phát triển mở rộng nâng tổng diện tích đạt 50 ha nhằm tạo sản phẩm hàng hóa nhằm duy trì thương hiệu Ớt Ariêu, tạo thu nhập bền vững cho người nông dân tại xã Mà Cooih và các xã lân cận”, ông Đinh Văn Bảo chia sẻ. |
Tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm ớt A Riêu, huyện Đông Giang đã tích cực thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm ớt A Riêu đi quảng bá ở nhiều hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương, tham gia các hội chợ. Đáng chú ý, là kết hợp giữa quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm ớt A Riêu gắn với du lịch huyện Đông Giang thông qua chương trình “Lễ hội Ớt A Riêu” mới đây. Tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, “Lễ hội Ớt A Riêu” thành công bước đầu đưa hình ảnh ớt A Riêu và các nông đặc sản miền núi huyện Đông Giang nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung đến rộng rãi với khách du lịch, kết hợp quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch, con người Đông Giang. “Lễ hội Ớt A Riêu mang đến những thành công nhất định, đặc biệt là quảng bá hình ảnh Ớt A Riêu đến người dân và du khách biết đến nhiều hơn. Khi ớt A Riêu được nhiều người biết đến thì cơ sở sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm từ ớt và tiêu thụ đầu ra cho người ”, bà Nguyễn Thị Thảo nói. “Tôi mong muốn sẽ có thêm những chương trình kết hợp du lịch với quảng bá ớt A Riêu để đầu ra cho sản phẩm này sẽ rộng mở hơn”, bà A Rất Thị Ý bày tỏ. Theo ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Lễ hội Ớt A Riêu là một hoạt động gắn với phát triển nông sản và du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Đông Giang nhằm góp phần tôn vinh, khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu Ớt A riêu của tỉnh Quảng Nam nói chung và Đông Giang nói riêng, góp phần vào niềm tự hào về hình ảnh con người, quê hương Đông Giang, Quảng Nam. Lễ hội Ớt A Riêu cũng mở ra kênh xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu thụ và trao đổi kinh nghiệm và thông tin về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và là cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và người sản xuất kí kết tiêu thụ sản phẩm. |
Ngay tại lễ hội, đại diện KDL sinh thái Cổng Trời Đông Giang và HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih đã cùng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác bao tiêu sản phẩm đầu ra cho ớt A Riêu. “Đây là nỗ lực của doanh nghiệp với mong muốn tạo sinh kế bền vững cho người dân, khẳng định chất lượng, nâng tầm uy tín và thương hiệu của Ớt A Riêu trên thị trường nông sản Việt, thúc đẩy quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của huyện Đông Giang nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung góp phần phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Anh Tấn, đại diện KDL sinh thái Cổng Trời Đông Giang chia sẻ và cho biết thêm, lô hàng đầu tiên Khu du lịch sẽ nhập sẽ là 4.000 hũ ớt A Riêu được trưng bày, giới thiệu và bán trong khu du lịch để phục vụ du lịch. Qua 2 ngày diễn ra lễ hội, đã có 12.000 lượt khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và mua sắm các sản phẩm là đặc sản miền núi của tỉnh Quảng Nam. |
Đẩy mạnh quảng bá, mở rộng hệ thống tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng miền núi Quảng Nam
Theo định hướng quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với quan điểm phải phát triển bền vững, phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 12 – NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng một số dự án quan trọng tai vùng Tây Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong giai đoạn từ năm 2021 – 2024, ngân sách tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ 16,4 tỷ đồng cho các địa phương miền núi theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm. |
Đến nay, tỉnh Quảng Nam có 407 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 169 sản phẩm OCOP của các huyện miền núi. Nhiều sản phẩm OCOP miền núi Quảng Nam đã dần có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn như tiêu, tinh dầu các loại của huyện Tiên Phước; các loại chè dây, chè Quyết thắng, ớt A Riêu của huyện Đông Giang; các loại trà, rượu từ sản vật rừng như đẳng sâm, ba kích của huyện Tây Giang; giảo cổ lam, các loại trà như khổ qua rừng, rau má rừng của huyện Nam Trà My…. Một số địa phương như Tiên Phước, Tây Giang, Nam Trà My…đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình này. Nhiều chủ thể OCOP dần thay đổi nhận thức và quan tâm đầu tư mua sắm máy móc, hoàn thiệt sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm; nâng cấp, cải tiến bao bì. |
Công tác quảng bá các sản phẩm OCOP trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước được đẩy mạnh. Như tổ chức các chương trình Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, tỉnh Bình Dương, TP. Đà Nẵng; tổ chức các đoàn tham gia chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP Quảng Nam tại Trung Quốc; hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ hàng Việt, hội chợ hàng OCOP tại nhiều tỉnh thành…. Ngoài ra, thường xuyên kết nối thông tin kịp thời các hoạt động xúc tiến thương mại ngoài tỉnh cho các chủ thể OCOP đăng ký tham gia. |
Theo Tỉnh ủy Quảng Nam, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đối với sản phẩm OCOP đã được công nhận nhằm quảng bá hình ảnh OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm; xây dựng một số Trung tâm OCOP cấp huyện; phát triển các điểm bán hàng OCOP, trong đó, có các sản phẩm OCOP miền núi. |
Huyện Đông Giang cần tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó, chuyển dịch dần trồng keo sang các loại cây trồng có giá trị khác như quế, trồng rừng gỗ lớn, phát triển dược liệu quý bản địa hiện có. Hướng dẫn cho người dân nâng cao kỹ thuật canh tác, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường rừng, môi trường sinh thái, ngăn chặn tình trạng phá rừng để làm nương rẫy; dần hình thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, mang tính chất sản xuất hàng hóa. Qua đó, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Tranh thủ tối đa lợi thế của địa phương, biến sản phẩm Ớt A Riêu và các sản phẩm OCOP khác như: chè dây, tinh bột nghệ đen, rượu kakun...trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao; cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện các mô hình phát triển sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo sản phẩm có đầu ra; sử dụng hiệu quả vốn 03 chương trình mục tiêu quốc gia; mạnh dạn, quyết đoán đầu tư trọng tâm trọng điểm cho các dự án phát triển sản xuất, các mô hình giảm nghèo. Tạo, điều kiện thuận lợi cho Nhân dân, doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để tạo thu nhập ổn định cho Nhân dân. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ Ớt A Riêu cũng như các nông đặc sản miền núi của tỉnh Quảng Nam. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng |