Yên Mô khai thác lợi thế riêng để phát triển sản phẩm OCOP
Yên Mô được đánh giá là một trong số địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn huyện đã có 14 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao. Để hiểu rõ hơn về quá trình triển khai, thực hiện chương trình, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Len, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô.
Đóng gói và dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cá chạch kho niêu đất tại xã Yên Hòa (Yên Mô). Ảnh: Anh Tuấn
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết, thời gian qua, huyện Yên Mô đã khai thác tiềm năng, lợi thế riêng có của địa phương trong việc phát triển sản phẩm OCOP như thế nào?
Đ/c Nguyễn Thị Len: Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Một trong những nhiệm vụ của chương trình OCOP là khai thác tiềm năng riêng có về đất đai, sản vật, vùng nguyên liệu sẵn có để thúc đẩy tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Do vậy, khi triển khai chương trình, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức điều tra, khảo sát về điều kiện đất đai, vùng sản xuất; rà soát, lựa chọn tìm ra các sản phẩm đặc sản, truyền thống gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương; ưu tiên các sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống gắn liền với các văn hóa bản địa.
Thực tế, ban đầu, khi chưa tham gia chương trình, hầu hết các chủ thể chưa chú trọng tới hình thức, mẫu mã, hình ảnh của sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm hầu hết là khách quen, việc mở rộng thị trường gặp nhiều khó khăn.
Quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, chúng tôi đã phối hợp với đơn vị tư vấn cho chủ thể đầu tư nâng cấp công nghệ sản xuất, chú trọng yếu tố vệ sinh, an toàn thực phẩm, chú trọng mẫu mã, hình thức để nâng cao chất lượng và hình ảnh sản phẩm. Các chủ thể đã có tư duy mới trong việc xây dựng hình ảnh sản phẩm trên thị trường, do đó bước đầu đã đưa sản phẩm vươn tới được những thị trường mới.
Đến nay Huyện Yên Mô đã có 14 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP trong đó có 8 sản phẩm 3 sao, 6 sản phẩm 4 sao. Đây đều là các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của Yên Mô như: chạch sụn kho niêu đất, nem chua Yên Mạc, gốm Bồ Bát, giò trứng...
PV: Ngoài việc xây dựng sản phẩm thì vấn đề quảng bá, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng cũng là một mắt xích rất quan trọng. Vậy huyện có những giải pháp nào để kết nối, hỗ trợ về đầu ra cho các chủ thể?
Đ/c Nguyễn Thị Len: Ngay từ đầu thực hiện chương trình, địa phương đã xác định công tác quảng bá và tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm OCOP là chìa khóa thành công của chương trình. Bởi sản xuất hàng hóa phải đến được người tiêu dùng, phải bán được hàng mới là hiệu quả thật sự. Chúng tôi đã hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể thông qua câu chuyện sản phẩm, biến sản phẩm thành quà tặng đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó, triển khai đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại. Ngoài tạo điều kiện, khuyến khích các chủ thể tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh thì còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook…
Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP Yên Mô đã từng bước đến tay người tiêu dùng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cũng như quốc tế biết đến và sử dụng và trở thành những món quà quê của người Yên Mô biếu khách gần, xa.
PV: Mục tiêu của địa phương đối với chương trình OCOP trong giai đoạn tới đây là gì, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Thị Len: Yên Mô là huyện nông nghiệp, để nâng cao giá trị nông sản, Yên Mô từng bước hướng tới chế biến sâu, định hướng phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Đồng thời phát triển các cây con đặc sản phục vụ cho phát triển du lịch. Do vậy, phát triển sản phẩm OCOP sẽ là giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện. Dù trước mắt đang gặp phải những khó khăn do hầu hết sản xuất các sản phẩm quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất chưa hiện đại, nhận thức của nhiều chủ thể về vai trò chương trình OCOP còn hạn chế, một số sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP nhưng chủ thể thụ động, không năng động quảng bá giới thiệu sản phẩm…
Trong thời gian tới, để phát triển các sản phẩm OCOP của Yên Mô, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn định hướng phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tiếp tục tìm các sản phẩm đặc sản, đặc trưng có chất lượng để tư vấn, giúp đỡ phát triển thành sản phẩm OCOP.
Có thể khẳng định, huyện Yên Mô rất quan tâm tới chương trình sản phẩm OCOP, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh cho các chủ thể, huyện còn có thêm 1 chính sách riêng, hỗ trợ thêm cho chủ thể có sản phẩm được công nhận là 50 triệu đồng. Với sự quan tâm, khuyến khích, chính sách hỗ trợ như trên của huyện, tin tưởng chương trình phát triển sản phẩm OCOP của Yên Mô sẽ ngày càng phát triển và hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!